Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

ĐẠI HỘI VI MỞ ĐẦU QUÁ TRÌNH ĐỒI MỚI CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG


PGS,TS. Nguyễn Viết Thảo
                                           Học viện CTQGHCM
Chiến lược đối ngoại của một chủ thể quan hệ quốc tế bao gồm hệ thống các quan điểm xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu và phương châm chỉ đạo các hoạt động đối ngoại và các mối quan hệ quốc tế của chủ thể đó. Trong số các chủ thể quan hệ quốc tế hiện nay, các quốc gia dân tộc là chủ thể quan trọng hàng đầu, bởi vậy, chiến lược đối ngoại của họ chính là nhân tố cơ bản tạo nên diện mạo đời sống quốc tế trong mỗi thời kỳ cụ thể. Ở nước ta, chiến lược đối ngoại của Đảng duy nhất cầm quyền cũng là chiến lược đối ngoại của Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đại hội VI (tháng 12/1986) khởi xướng công cuộc đổi mới trên cả hai bình diện lý luận và thực tiễn. Tư duy đối ngoại được đổi mới thông qua quá trình xây dựng nhận thức mới về thời đại, về thế giới, xác định mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế; đồng thời xác định mô hình tập hợp lực lượng phù hợp với sự vận động của cục diện thế giới. Nghị quyết Đại hội chỉ rõ: “Với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hơn”[1]. Mặt khác, Nghị quyết Đại hội VI còn nhấn mạnh quan điểm Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị khóa V (tháng 7-1986) xác định rằng: Nếu chúng ta lại để lỡ cơ hội lớn đó thì sẽ gặp những thách thức mới và sẽ bị thua kém về mọi mặt so với nhiều nước trên thế giới, do đó, an ninh, chính trị, quốc phòng của ta cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trên cơ sở nhận thức sâu sát tình hình thế giới và với cách nhìn thẳng vào sự thật về những nguy cơ đe dọa đất nước như vậy, Đại hội VI xác định mục tiêu hàng đầu của đường lối đối ngoại Việt Nam là hòa bình và phát triển. Nghị quyết Đại hội vạch rõ: “Trong những năm tới, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực đối ngoại là ra sức kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phấn đấu giữ vững hòa bình ở Đông Dương, góp phần tích cực giữ vững hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới... tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc...[2]. Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, bên cạnh việc phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, còn cần phải “tranh thủ những điều kiện thuận lợi mới về hợp tác kinh tế và khoa học, kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi việc phân công và hợp tác trong Hội đồng Tương trợ kinh tế; đồng thời tranh thủ mở rộng quan hệ với các nước lớn khác”[3].
Để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Đại hội VI xác định 6 chính sách lớn bao gồm: Tăng cường đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô như hòn đá tảng trong toàn bộ chính sách đối ngoại; phát triển và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương như quy luật sống còn của cả ba dân tộc anh em; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; ủng hộ một cách nhất quán và triệt để phong trào đấu tranh giải phóng và độc lập dân tộc; củng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh anh dũng của giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước tư bản phát triển; và tích cực góp phần vào tăng cường đoàn kết, hợp tác trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Những chính sách lớn nêu trên, về cơ bản, vẫn được hoạch định trên cơ sở ý thức hệ và kiểu tập hợp lực lượng đặc trưng của thời kỳ đối đầu Đông - Tây. Tuy nhiên, những trọng điểm đối ngoại cụ thể được xác định trong văn kiện Đại hội và nhất là những hoạt động ngoại giao tiếp theo thì đã phản ánh rõ nét những chuyển hướng trong tư duy đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Trọng điểm đối ngoại thứ nhất, cũng là vấn đề đối ngoại phức tạp nhất cần tháo gỡ, là vấn đề Campuchia. Từ năm 1979, Mỹ, Trung Quốc và một số cường quốc khác luôn luôn đặt việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia là điều kiện tiên quyết cho việc chấm dứt bao vây, cấm vận và bình thường hóa quan hệ với nước ta. Hiệp  hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN) cũng đặt ra yêu sách như vậy như điều kiện cho Việt Nam gia nhập tổ chức khu vực. Trên thực tế, tháng 7 năm 1982 chúng ta đã rút một phần quân khỏi Campuchia và tuyên bố sẽ rút thêm một số quân nữa nếu phía Thái Lan chấm dứt ủng hộ các lực lượng Khơ-me phản động chống lại nhân dân Campuchia. Quan điểm này được khẳng định lại tại Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương tổ chức tại Viêng-chăn (Lào) ngày 23/2/1983. Sau đó, tại Hội nghị Ngoại trưởng ba nước, tổ chức ngày 16/8/1985, Việt Nam tuyên bố sẽ rút hết quân vào đầu năm 1990. Tiếp tục các quan điểm đúng đắn ấy, Nghị quyết Đại hội VI chỉ rõ: “Chính phủ ta chủ trương tiếp tục rút quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia, đồng thời sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để đi tới một giải pháp chính trị đúng đắn về Campuchia”[4].
Ngày 26/9/1989, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam cuối cùng rút khỏi Campuchia, trước thời hạn cam kết 3 tháng. Từ đây, vấn đề Campuchia thay đổi tính chất và có điều kiện đi đến một giải pháp chính trị. Trong thời gian từ 1986 đến 1989, Việt Nam đã tham gia các họat động song phương và đa phương, trong đó có các cuộc gặp không chính thức (JIM-1 tại Bôgo tháng 7-1988 và JIM-2 tại Giacácta tháng 1-1989) nhằm tìm giải pháp chính trị đúng đắn cho vấn đề Campuchia. Đến ngày 23/10/1991, các văn kiện cần thiết cho giải pháp như vậy được ký kết. Một trong những hồ sơ nhạy cảm, phức tạp nhất trong chương trình nghị sự của ngoại giao Việt Nam đã được xử lý thành công nhờ tư duy và đường lối đối ngoại đổi mới.
Trọng điểm đối ngoại thứ hai là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nghị quyết Đại hội VI nêu rõ: “Một lần nữa, chúng ta chính thức tuyên bố rằng: Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc bất cứ lúc nào, bất cứ cấp nào và bất cứ ở đâu nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình ở Đông Nam á và trên thế giới”[5]. Quán triệt tinh thần Đại hội VI, lời nói đầu bản Hiến pháp năm 1980 đã được điều chỉnh; phía Việt Nam chủ động đề nghị hai bên chấm dứt hoạt động vũ trang chống nhau, giảm tuyên truyền thù địch; giãn quân cách xa biên giới; mở cửa khẩu cho nhân dân hai bên thăm hỏi lẫn nhau và hàng loạt các động thái ngoại giao hữu nghị khác. Thiện chí của Việt Nam đã được phía Trung Quốc đáp lại bằng nhiều biểu hiện tích cực. Đầu tháng 9 năm 1990, lãnh đạo cấp cao hai nước đã gặp nhau không chính thức tại Thành Đô (Tứ Xuyên). Ngày 5/8/1991, hai bên tiến hành đàm phán ở cấp thứ trưởng ngoại giao về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và về mặt quốc tế của vấn đề Campuchia. Tháng 9/1991, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm chính thức Trung Quốc. Đầu tháng 12 năm 1991, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước ta, do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu, thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên đã hội đàm chung và riêng giữa hai Tổng Bí thư, hai Thủ tướng, sau đó ra thông cáo chung  và ký kết một số hiệp định. Thông cáo chung khẳng định bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; đồng thời tuyên bố phục hồi quan hệ giữa hai Đảng trên cơ sở các nguyên tắc độc lập, tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Trọng điểm đối ngoại thứ ba là khai thông quan hệ với các nước ASEAN. Trên cơ sở nắm bắt kịp thời lợi ích an ninh chung của các quốc gia trong khu vực Đông Nam á và đánh giá đúng đắn vai trò, vị trí quan trọng của ASEAN trên các vấn về quốc tế, nhất là vấn đề Campuchia, Đại hội VI thể hiện : “Chính phủ và nhân dân Việt Nam không ngừng phấn đấu nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với Inđônêxia và các nước Đông Nam á khác. Chúng ta mong muốn và sẵn sàng cùng các nước trong khu vực thương lượng để giải quyết các vấn đề ở Đông Nam á, thiết lập quan hệ cùng tông tại hòa bình, xây dựng Đông Nam á thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác[6].
Trước kia, trong bối cảnh của đối đầu Đông - Tây và chiến tranh lạnh, Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán chủ trương chiến lược tăng cường liên minh ba nước Đông Dương làm đối trọng với các nước ASEAN. Bước vào thời kỳ đổi mới và trong bối cảnh quốc tế mới, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 13 (tháng 5 năm 1988) chấm dứt chủ trương đối lập Đông Dương - ASEAN; thay vào đó là triển khai chính sách hữu nghị và hợp tác toàn diện với Đông Nam Á, trước hết là tăng cường quan hệ với Inđônêxia, khai thông quan hệ với Thái Lan, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học- kỹ thuật và văn hóa với các nước trong khu vực; giải quyết những vấn đề tồn tại giữa nước ta với các nước Đông Nam á khác bằng thương lượng; thúc đẩy quá trình xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác.
Chủ trương chiến lược và những quan điểm chỉ đạo đúng đắn nêu trên đã được thực hiện có hiệu quả thông qua hàng loạt hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao, trong đó có việc mời Ngoại trưởng Inđônêxia sang thăm và ký Thông cáo chung ngày 29/7/1987; rút quân ra xa biên giới Campuchia - Thái Lan tháng 5/1988 mở đường cho Thủ tướng Thái Lan tuyên bố chủ trương biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường; tuyên bố ngày 10/01/1987 của Tổng Bí thư Đảng ta về việc Việt Nam sẵn sàng mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và tham gia Họêp ước Bali; mời Tổng thống Inđônêxia Xuháctô sang thăm hữu nghị chính thức tháng 10/1990 và Thủ tướng nước ta đi thăm hữu nghị chính thức Inđônêxia, Thái Lan, Xinhgapo tháng 10, tháng 11/1991. Một không khí mới đã được hình thành trong quan hệ giữa nước ta với các nước ASEAN, hiểu biết và tin cậy nhau hơn. Các nước đã dần dần tỏ ra độc lập với lập trường của Trung Quốc về vấn đề Campuchia, đồng thời đã vượt qua chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - ASEAN đã tăng xấp xỉ 7 lần từ năm 1985 đến năm 1991. Quan hệ khoa học- kỹ thuật, văn hóa, thể thao có sự khởi sắc rõ rệt. Một hướng địa chính trị mới đã bước đầu được phác thảo trong bản đồ chính trị đối ngoại Việt Nam.
Trọng điểm đối ngoại thứ tư là cải thiện quan hệ với Mỹ. Từ giữa 1986, Việt Nam chủ trương chuyển từ đối đầu sang đối thoại và đấu tranh cùng tồn tại hòa bình với Mỹ. Đại hội VI thể hiện lập trường: “Chính phủ ta tiếp thục bàn bạc với Mỹ giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại và sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ vì lợi ích của hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á”[7]. Đến giữa năm 1988, Đảng tuyên bố chủ trương “thêm bạn, bớt thù” như bức thông điệp đầy thiện chí với Mỹ và các thế lực phương Tây khác. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị vạch rõ cần có chính sách toàn diện đối với Mỹ nhằm tranh thủ dư luận nhân dân Mỹ và thế giới, tạo thuận lợi cho chiến lược của ta tập trung vào việc giữ vững hòa bình và phát triển kinh tế. Thực hiện chủ trương đó, chính phủ Việt Nam tiếp tục giải quyết vấn đề tù nhân và vấn đề người mất tích trong chiến tranh (POW-MIA) vồn đã được tiến hành từ cuối năm 1985; tích cực giải quyết nhu cầu người ra đi có trật tự, người đã được cải tạo thuộc diện được định cư ở Mỹ, cho phép Việt kiều ở Mỹ về thăm quê hương, khuyến khích chính giới, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam ... Ngoài ra, phía Việt Nam cũng tích cực, chủ động bàn bạc cùng với Mỹ giải quyết vấn đề Campuchia. Ngày 27/9/1990, lần đầu tiên hai Ngoại trưởng gặp nhau tại New York nhân dự cuộc họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc và ngày 17/10/1990, lần đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch thăm chính thức nước Mỹ. Ngày 19/4/1991, tướng J.Vétxi đến Việt Nam bàn việc lập Văn phòng MIA. Ngày 25/4/1991, cơ quan Viện trợ Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) bắt đầu viện trợ cho Việt Nam 1 triệu USD để làm chân tay giả và 11 triệu USD khác để đưa lao động của ta từ Irắc trở về. Cùng thời gian đó, chính phủ Mỹ tuyên bố nới lỏng một số hạn chế trong chính sách cấm vận đối với Việt Nam. Ngày 9/4/1991, chính phủ Mỹ nêu bản lộ trình (Road Mạp) bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Như vậy, một hướng địa chính trị đặc biệt quan trọng trong bản đồ đối ngoại Việt Nam, trên thực tế, đã được bước đầu khai phá, rất cần nhiều nỗ lực thiết kế tiếp theo.
Trọng điểm đối ngoại thứ năm là điều chỉnh, đổi mới quan hệ với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và tăng cường quan hệ với các nước khác. Từ giữa thập kỷ 80 trở đi, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lâm vào cuộc suy thoái kinh tế, dẫn đến sự khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng nghiêm trọng. Chính phủ các nước ấy tuyên bố giảm đáng kể các cam kết quốc tế, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại; giáo dục, khoa học- kỹ thuật, mà cả về quân sự, an ninh, chính trị và quan hệ quốc tế. Trung ương Đảng ta rất nhạy bén với tình hình mới, đã họp Bộ Chính trị ra Nghị quyết 13 đưa ra chủ trương nhanh chóng điều chỉnh, đổi mới quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu theo hướng nâng cao hiệu quả, cùng có lợi, vì hòa bình và cách mạng thế giới. Thực hiện chủ trương của Đảng, từ tháng 5/1987 phía Việt Nam từng bước chuyển quan hệ kinh tế với Liên Xô - Đông Âu sang hình thức liên doanh, khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa các cơ sở sản xuất, ký với chính phủ Liên Xô nghị định khung về quan hệ trực tiếp, thỏa thuận trao đổi hàng hóa ngoài nghị định thư và áp dụng cơ chế hợp tác thương mại trên cơ sở giá quốc tế và đồng tiền chuyển đổi. Mặt khác, chúng ta tiếp tục tranh thủ và phối hợp với Liên Xô đấu tranh trong vấn đề Camphuchia; chuẩn bị phương án khi Liên Xô giảm sự hiện diện quân sự ở cảng Cam Ranh, hoặc rút quân khỏi đó nếu quân Mỹ rút khỏi các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á.
Song song với sự điều chỉnh, đổi mới quan hệ với Liên Xô, Đông Âu, Đảng và Chính phủ ta đã tăng cường quan hệ với các nước khác, trong đó có củng cố mối quan hệ truyền thống với các nước đang phát triển và mở rộng quan hệ vơí các nước tư bản phát triển. Trong những năm 1988-1989, một số đối tác thương mại, dầu khí, tài chính... của Nhật Bản đã sang Việt Nam và tháng 10/1990, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thăm Nhật Bản, để đến tháng 6 năm 1991, Ngoại trưởng Nakayama thăm lại Việt Nam. Quan hệ với các nước khác cũng được coi trọng, phát triển : tháng 4/1988, Thủ tướng Ân Độ R.Ganđi thăm chính thức Việt Nam; tháng 11/1988, Bộ trưởng đặc trách Bộ Ngoại giao Pháp thăm Việt Nam, chuyển thông điệp củaTổng thống F.Mitterand mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam; tháng 5/1989, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Braxin; tháng 5/1990 Nghị viện Châu Âu ra nghị quyết đề nghị ủy ban châu Âu (EC) thiết lập quan hệ chính thức với Việt Nam; tháng 6/1990 thành lập ủy ban hỗn hợp kinh tế, thương mại Việt Nam - Ôxtrâylia; tháng 10/1990 Hội nghị Ngoại trưởng 12 nước thành viên EU quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam; v.v... Tư duy và hoạt động đối ngoại Việt Nam đã vượt qua khuôn mẫu của các thời kỳ trước, vượt qua sóng gió của những năm tháng khó khăn, vươn ra được chân trời xa để có thêm những vòng tay hữu nghị, hợp tác. Đây chính là đóng góp của Đại hội VI đã mở đường cho một đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn, năng động và cách mạng. Đường lối ấy sẽ tiếp tục vận động ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ mới của dân tộc và thời đại cuối thế kỷ XX.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo: “Tìm hiểu vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam”, Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng GVLLCT, ĐQGHN, 2005.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.97 .
[2] Sách trên, tr.99
[3] Sách trên, tr.99
[4] Sách trên, tr.108
[5] Sách trên, tr.107
[6] Sách trên, tr.108
[7] Sách trên, tr. 108

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!