Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

HỘI NHẬP KINH TẾ CUỘC TẾ TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI CỦA VIỆT NAM


   TS. Nguyễn Thị Thìn
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa toàn cầu hoá kinh tế với sự hội nhập kinh tế quốc tế của các nước trên thế giới như một tất yếu khách quan.
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ở một quốc gia là quá trình “mở cửa” nền kinh tế. Một trong hai mặt của lộ trình hội nhập là đưa nền kinh tế nước đó tham gia tích cực vào cạnh tranh quốc tế, thiết lập mối quan hệ kinh tế trên cơ sở các quy luật của nền kinhh tế thị trường.
Đối với Việt Nam, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế chính là sự tham gia vào dòng chảy lịch sử một cách tích cực để phát triển, vừa có được cơ hội, vừa phải đương đầu với những thách thức của cạnh tranh trên con đường đi tới.

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam có quan hệ mật thiết với quá trình đổi mới đang diễn ra trên mọi mặt của đời sống xã hội. Đó cũng là quá trình tạo “thế” và “lực” để tham gia thị trường khu vực và toàn cầu, tạo đà, giành chủ động trong hội nhập, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Trải qua gần hai chục năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, trong bối cảnh đầy những biến động phức tạp của chính trường thế giới, Việt Nam đã có được những thay đổi cơ bản từ khi đoạn tuyệt cơ chế cũ chuyển sang cơ chế mới với nền kinh tế thị trường. Thực tế đã chỉ rõ đổi mới kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế có mối quan hệ hữu cơ, không tách rời nhau trong quá trình mở cửa nền kinh tế. Sự phát triển nhanh, bền vững chỉ có được khi Việt Nam đẩy nhanh sự đổi mới và chủ động, linh hoạt, khôn khéo trong hội nhập.
1. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam - một góc nhìn
Hiện nay, toàn cầu hoá kinh tế được nhìn nhận là kết quả của quá trình xã hội hoá sản xuất, biểu hiện ở sự phát triển sâu rộng của nền kinh tế thị trường trên phạm vi toàn cầu và kéo theo nó là sự đòi hỏi các quốc gia trên thế giới “mở cửa” để hội nhập. Đó là quá trình đưa nền kinh tế của các nước tham gia tích cực vào cạnh tranh quốc tế, tham gia vào các tổ chức kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ… vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ.
Toàn cầu hoá là một quá trình mang tính khách quan nhưng lại thể hiện sự vận động thông qua chủ quan con người. Quá trình này hàm chứa nhu cầu tự thân của một nét văn minh, để tiến tới ấm no và công bằng, dân chủ, nhưng cũng chứa đựng nguy cơ bị một số nước tư bản phương Tây lợi dụng áp đặt nô dịch vì lợi ích của họ. Chính vì thế, khi hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia cần nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, tạo thế chủ động để phát triển.
Chủ động hội nhập là một cách thức để tối đa hoá lợi ích của quốc gia, đối tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, giữ vững mục tiêu định hướng đã xác định, “hoà nhập mà không hoà tan”. Chủ động ở đây được hiểu theo nghĩa rằng mỗi quyết sách kinh tế của quốc gia cần phải tính đến đầy đủ các yếu tố quốc tế trên mọi khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội... Điều đó cũng đòi hỏi các quốc gia phải coi trọng hiện thực khách quan, nhất là các yếu tố thị trường, đặt uy tín, thương hiệu hàng hoá lên trên hết, tăng khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
ở Việt Nam, “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường”[1] trở thành quan điểm xuyên suốt.
Vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam cần có một lộ trình phù hợp. Lộ trình đó cần được bắt đầu bằng việc tham gia vào các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới (ASEAN, GATT, APEC, AFTA, WTO...). Hiện nay, một động thái được Chính phủ Việt Nam ưu tiên hàng đầu là đàm phán gia nhập WTO. Đây là nhu cầu có tính thời sự của quan hệ buôn bán, bởi nó sẽ tạo ra những thuận lợi trong cạnh tranh quốc tế. Khi trở thành thành viên của tổ chức này “thế” và “lực” của Việt Nam sẽ khác, sẽ cao hơn trước rất nhiều. Kết quả đáng khích lệ của vòng đàm phán thứ bảy cuối năm 2003 và những công việc mà Chính phủ Việt Nam lên kế hoạch hoàn thành trong năm 2004 nếu tiến triển tốt đẹp thì có hy vọng đến 2005 sẽ là thành viên của tổ chức này[2].
Như vậy, trên góc độ vĩ mô, quyết tâm về mặt đường lối đổi mới gắn liền với hội nhập, mở cửa nền kinh tế của Việt Nam đã rõ. Nhưng trên thực tế thì còn rất nhiều điều chưa thuận.
Điều đầu tiên là vấn đề nhận thức. Việt Nam vẫn còn đang băn khoăn về tốc độ tự do hoá trong quá trình “mở cửa”. Giải thích điều này, một số nhà bình luận cho rằng: sở dĩ Chính phủ Việt Nam còn quá thận trọng vì vừa mở cửa nền kinh tế được ít năm đã phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính Châu á 1997 - 1998. (Nguồn: Internet).
Bên cạnh đó, thực tế cũng chỉ rõ rằng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn ở mức thấp. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), xét về các chỉ số cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam xếp thứ 39/53 nước được xem xét năm 1999, 48/59 nước năm 2000, 53/59 nước năm 2001, 62/75 nước năm 2002, 60/102  nước năm 2003[3].
Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng trên? Tiến sĩ Đinh Quang Ty (Vụ trưởng, Ban khoa giáo Trung ương) cho rằng, ngoài vướng mắc như đã nêu có thể nhận thấy sự yếu kém trong cạnh tranh của Việt Nam ở hàng loạt các chỉ tiêu so sánh như: xuất khẩu dịch vụ ở mức trung bình yếu, cạnh tranh đầu tư thấp so với khu vực, tình hình tài chính tiền tệ chưa ổn định, thiếu vững chắc, các chỉ số về chính sách vĩ mô (lạm phát, thâm hụt ngân sách...) theo đánh giá là ở mức trung bình. Các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh (chỉ số doanh nghiệp mới thành lập, về xử phạt hành chính, về nhận thức tham nhũng, về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, về tự do hoá kinh tế...) được xếp ở nhóm thấp. Các chỉ số khác về khả năng cạnh tranh trong khoa học công nghệ, về kết cấu vật chất hạ tầng và về nguồn nhân lực cũng ở mức rất thấp. Theo ông, nguyên nhân bao trùm là do Việt Nam hiện vẫn chưa ra khỏi giai đoạn khởi động của quá trình chuyển đổi cơ chế, nền kinh tế thị trường còn đang ở giai đoạn khởi đầu của sự hình thành.
Điều khôn ngoan và tất yếu giờ đây của chúng ta (như đã được xác định tại các kỳ Đại hội Đảng VII, VIII, IX, các kỳ họp Quốc hội) là cần tiếp tục quá trình đổi mới kinh tế xã hội, để tạo đà cho cạnh tranh trong hội nhập, để “mở cửa” đón những luồng gió tốt lành mà nền kinh tế tri thức của nhân loại đang thổi tới.
2. Hội nhập kinh tế quốc tế trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam
Nửa sau của thế kỷ XX diễn ra rất nhiều sự kiện gây chấn động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Đó là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với tác động bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội. Đó là những thay đổi trên chính trường thế giới, mà đặc biệt nhất là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Đó cũng là sự xuất hiện tính chỉnh thể, tính nhân loại, tính toàn cầu trong mối quan hệ với tính giai cấp và đấu tranh giai cấp, mà theo đó xuất hiện một nhu cầu phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là: hoà bình, ổn định để phát triển.
Đối với Việt Nam, nhân tố bên ngoài và sự xuất hiện ngày một rõ nét những dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế xã hội trong nước đã khẳng định rằng đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế - xã hội toàn diện với bước đi, biện pháp thích hợp là việc làm cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển.
Trên góc độ nhận thức, đổi mới được xác định là đổi mới tư duy phát triển.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, khắc phục những quan điểm sai lầm, duy ý chí trước đây, Đảng ta đã chỉ ra sự cần thiết chuyển từ quan niệm đối lập chủ nghĩa xã hội với kinh tế thị trường, sang xác định rõ mô hình kinh tế của nước ta trong thời kỳ quá độ là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là góp phần xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, chúng ta cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với  sức mạnh thời đại trong điều kiện mới. Cùng với xu hướng hợp tác và cạnh tranh thay vì đối đầu, xung đột, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế trở thành cách tiếp cận để phát triển. Điều này bắt nguồn từ đòi hỏi bức bách của thực tế trong nước và bối cảnh mới ở khu vực cũng như toàn cầu, là cách lựa chọn mà Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội phát triển to lớn mà thời đại đang dành cho các nước đi sau.
Sự đổi mới tư duy phát triển là điểm khởi đầu cả về lịch sử lẫn lý luận của quá trình đổi mới toàn diện, tạo ra tầm nhìn xuyên suốt cho chính sách kinh tế đối ngoại mà trung tâm là quan điểm về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, trên cơ sở “phát huy tối đa nội lực”, tranh thủ ngoại lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp, khơi dậy mọi tiềm năng  nhằm đổi mới thành công.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) được coi là Đại hội khởi xướng sự nghiệp này. Đại hội xác định đổi mới kinh tế làm trọng tâm mà nội dung chủ yếu là xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đổi mới được hiểu là quá trình vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đổi mới không phải  đổi mới mục tiêu, lý tưởng đi lên chủ nghĩa xã hội mà tìm cách thức để đạt mục tiêu đó một cách có hiệu quả. Trong những năm đầu đổi mới, đặc biệt là vào cuối thập kỷ 80, tình hình có những biến chuyển rõ rệt. Sản xuất phục hồi, kinh tế bắt đầu có tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế và từng bước đẩy lùi. Điều quan trọng nhất là đã chuyển đổi căn bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới. Thành công này còn có ý nghĩa lớn lao hơn, khi mà nó được thực hiện trước thời điểm Đông Âu và Liên Xô cũ rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Tháng 6/1991, Đại hội lần thứ VII của Đảng đã tiến hành đánh giá thành quả đổi mới và đưa ra phương hướng tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới. Đại hội đã thông qua "Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000"; đề ra chính sách đối ngoại phù hợp với xu thế lớn của thế giới, đa dạng hoá, đa phương hoá các mối quan hệ để tạo thêm thế mạnh, tranh thủ vốn, công nghệ cho phát triển nền kinh tế đất nước. Mặc dù lúc này còn nhiều khó khăn do nền kinh tế vẫn bị bao vây, cấm vận, nhưng sự nghiệp đổi mới cũng thu được những kết quả khả quan. Việc thực hiện Nghị quyết đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, đặt nền móng cho giai đoạn tiếp theo. Cơ chế kinh tế có những thay đổi lớn, nền kinh tế nhiều thành phần đã định hình, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 8,2%/năm. Sản xuất trong nước bước đầu có tích luỹ. Đây là thời kỳ nguồn FDI vào Việt Nam tăng cao nhất, khoảng 50%/năm. Xuất khẩu mỗi năm tăng 27%, lạm phát tiếp tục bị đẩy lùi. Đặc biệt quan hệ kinh tế đối ngoại đạt những bước tiến dài. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ bình thường với tất cả các nước và các trung tâm kinh tế - chính trị lớn trên thế giới. Tháng 7 năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN. Cũng ở thời điểm này, ta ký hiệp định khung về hợp tác kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật với Liên minh Châu Âu, bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. Đến cuối năm 1996, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế thương mại với trên 120 nước, kim ngạch ngoại thương tăng trên 20%. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng đáng kể, tính đến thời điểm tháng 12 năm 1996, có 1868 dự án đầu tư được cấp giấy phép với tổng số vốn là 26,974 triệu USD. Đời sống nhân dân được cải thiện, giáo dục y tế được tăng cường, công tác nghiên cứu khoa học công nghệ được đẩy mạnh[4]. 
Tại Đại hội VIII (6/1996), Đảng khẳng định quyết tâm phát triển hơn đường lối đổi mới kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu đến 2020 đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc.
Tháng 4/2001, Đại hội Đảng lần thứ IX một lần nữa thể hiện ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam về sự nghiệp đổi mới, nhằm đạt đến mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, theo phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ, phấn đấu vì hoà bình độc lập và phát triển…”[5].
Thực tiễn lịch sử gần 20 năm qua đã minh chứng rằng: Đảng và Nhà nước không phải là chỉ đưa ra đường lối chung chung, mà đã thực tế hoá bằng những khuyến khích cụ thể, để mọi chủ thể kinh tế, mọi thành phần kinh tế tham gia hội nhập, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ…., tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế, nhằm xây dựng một thị trường hướng ngoại, có hiệu quả, hướng về xuất khẩu, tham gia vào phân công lao động và hợp tác quốc tế sâu rộng. Đồng thời, Nhà nước cũng ra sức cải thiện, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, nỗ lực cải tiến và đơn giản hoá các thủ tục cấp phép đầu tư, những quy định về xuất nhập khẩu, hải quan, thuế..., tạo hành lang pháp lý cho mọi hình thức kinh tế quốc tế (ngoại thương, hợp tác đầu tư, hợp tác về khoa học công nghệ, hợp tác tín dụng, hợp tác lao động …) ngày càng phát triển.
Quá trình đổi mới, hội nhập tích cực đã tạo cho Việt Nam một vóc dáng mới với đầy hy vọng để đi lên cùng nền kinh tế khu vực và toàn cầu, rút ngắn khoảng cách tụt hậu giữa nước ta với các nước phát triển.
Chặng đường vừa qua đưa đến cho nền kinh tế nước nhà một diện mạo đáng khích lệ, để ngẩng cao đầu hơn trong hội nhập,… “Việt Nam … là đối tác tin cậy…”, tạo ra những cơ sở kinh tế, cơ sở vật chất thực sự, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế vững bền, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Đến hôm nay, chúng ta có thể tự hào rằng trên tất cả các mặt, tiềm lực phát triển của Việt Nam  đã được nhân lên gấp bội so với trước đổi mới. Nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khủng hoảng của những năm 80 (thế kỷ XX). Đời sống nhân dân ổn định, cải thiện và nâng cao từng bước rõ rệt. Kinh tế tài chính vững vàng hơn mà bằng chứng là chúng ta ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khu vực 1997 - 1998. Nền tảng cho quá trình tăng trưởng nhanh, bền vững được tạo lập và củng cố. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được khẳng định đứt khoát nhờ kết quả to lớn mà nó đem lại. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá tạo nên cơ sở xuất phát tốt cho giai đoạn tiếp sau. ở lĩnh vực đối ngoại, chúng ta có những thành công nổi bật. Với chủ trương Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập, phát triển, ta đã tiến hành bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước trước đây có quan hệ thù địch, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác để chủ động hội nhập vào quỹ đạo phát triển của khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập quan hệ toàn diện với hầu hết các nước trên thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Hàng nghìn công ty nước ngoài cũng đầu tư vào Việt Nam với số vốn cam kết trên 40 tỷ USD (tính đến thời điểm cuối năm 2000), chưa kể các nguồn FDI, ODA[6].
 Tất cả, tất cả đem lại cho Việt Nam  một khả năng đầu tư phát triển mới, tạo động lực phát triển vững bền, hội nhập chủ động, đổi mới thành công.Theo đúng nghĩa hội nhập, chúng ta tạo điều kiện tối đa cho người nước ngoài làm ăn ở nước ta có hiệu quả và đúng luật, còn ta, cũng cố gắng để phát triển vững vàng, xứng đáng là một mắt khâu hữu ích, không thể thiếu trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, hội nhập kinh tế quốc tế và đổi mới là cuộc thử nghiệm một con đường phát triển, do đó hàm chứa những bất trắc, sai sót là tất yếu. Chính vì thế, Đảng ta qua các kỳ Đại hội đã nghiêm túc tổng kết thực tiễn, phân tích kỹ càng những yếu kém nội tại của nền kinh tế, các vấn đề chính trị xã hội phát sinh trong nước. Đánh giá toàn diện những xu hướng đang diễn ra trên thế giới, những yếu tố khu vực và toàn cầu có ảnh hưởng tới sự nghiệp chung. Vạch ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan của sự bất cập, để từ đó có được những bài học kinh nghiệm quý báu cho chặng đường  tiếp theo.
Trong thời đại ngày nay, “đóng cửa là tự sát”. Đối với Việt Nam, đổi mới và hội nhập rõ ràng có một mối quan hệ tương tác qua lại. Đổi mới là để hội nhập, phát triển và ngược lại hội nhập kinh tế quốc tế, đến lượt nó lại thổi vào công cuộc xây dựng đất nước một luồng sinh khí mới cho sự trường tồn và phát triển bền vững.
Sự tổng kết về mặt thực tiễn cũng như lý luận đã cho phép chúng ta nhìn rõ những thời cơ, nguy cơ, thách thức trên con đường đi tới. Cơ hội  phát triển rất lớn, mà rủi ro phát triển cũng nhiều. Chiến lược đổi mới, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cần được tiếp tục thực hiện, vì đây là con đường đảm bảo triển vọng cho một tương lai sáng sủa của nước nhà.
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta, nhằm thực hiện chủ trương phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường dân tộc, động viên các nguồn lực bên trong, tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi mới từ bên ngoài, tiếp cận nhanh, có hiệu quả xu hướng phát triển của thế giới, tìm ra mô hình thích hợp để giải quyết vấn đề phát triển đang đặt ra gay gắt.
Chủ động hội nhập tích cực để phát triển, "hoà nhập mà không hoà tan" cũng là một trong những yếu tố góp phần dẫn đến thành công của đổi mới. Và để đạt được điều đó, chúng ta không nên quên rằng cần phải có những nỗ lực to lớn mang tính trí tuệ cao hơn, chất lượng hơn - tầm trí tuệ của nền kinh tế tri thức, phát huy sức mạnh dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam và kiên định con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.






[1] Nguồn: Văn kiện Đại hội Đảng toàn Quốc lần IX.NXBCTQG - 2001.tr120
[2] Nguồn: Báo đầu tư ngày 20/01/2004
[3] Nguồn: Xem bài của tiến sỹ Đinh Quang Ty về “Toàn cầu hoá và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”.
[4] Nguồn: Thông tin này do Vụ THKT – Bộ ngoại giao biên soạn và cung cấp trên www. Dei. Gov. com. Vn
[5] Nguồn: Văn kiện Đại hội Đảng lần IX - NXB CTQG – 2001, tr.42.
[6] Nguồn: Thông tin này do Vụ THKT- Bộ ngoại giao biên soạn và cung cấp trên WWW.dei.Gov.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!