Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

NHỮNG ĐIỀU KIỆN CƠ BẢN ĐỂ THỰC HIỆN CÔNG NGHIỆP HÓA RÚT NGẮN: THỰC TIỄN CÁC NƯỚC VÀ Ý NGHĨA ĐỐI VỚI VIỆT NAM


PGS, TS. Mai Thị Thanh Xuân
                    Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
Về lý luận, những nước công nghiệp hóa (CNH) muộn đều cần phải và có thể thực hiện mô hình CNH rút ngắn. Chính C. Mác cũng đã từng nói, rằng: một xã hội dù đã tìm ra được quy luật tự nhiên của sự phát triển thì cũng không thể đơn giản vượt bỏ hay dùng pháp lệnh để thủ tiêu các giai đoạn phát triển của tự nhiên; nhưng việc nhận thức và vận dụng đúng đắn các quy luật có thể cho phép rút ngắn thời gian và giảm bớt đau khổ trong quá trình phát triển ấy. Thực tế cũng đã cho thấy, việc thực hiện CNH rút ngắn, không kể rút ngắn cổ điển hay rút ngắn hiện đại, đều cho phép các nước đi sau tránh được nhiều khó khăn và gian khổ mà các nước đi trước phải trải qua. Vấn đề là Việt Nam, trong điều kiện cụ thể của mình, có thể rút ngắn thời kỳ công nghiệp hóa như thế nào và đến mức độ nào. Điều đó trước hết phụ thuộc vào việc lựa chọn mô hình công nghiệp hóa, và sau nữa là phụ thuộc vào những điều kiện bên trong và bên ngoài nhất định của chúng ta.
Bài viết này đề cập một số điều kiện cơ bản nhất, có tính chất tạo tiền đề để rút ngắn quá trình CNH, được rút ra từ kinh nghiệm các nước đi trước.

1. Tiền đề kinh tế – kỹ thuật do nước công nghiệp hóa đi trước tạo ra
Trước hết, và là điều kiện quan trọng nhất để rút ngắn thời kỳ CNH là phải có sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, của khoa học, kỹ thuật và công nghệ do các nước đi trước tạo ra, nhờ đó các nước đi sau có thể nhận chuyển giao công nghệ từ các nước này. Đó chính là lợi thế mà các nước đi trước không thể có được; nó lý giải tại sao các nước CNH đi trước phải mất một thời gian rất dài để tạo dựng lực lượng sản xuất đó. Ngược lại, các nước CNH muộn, khi tiến hành CNH, do đã có sẵn các tiền đề vật chất của thời đại tạo ra, nên có thể đi thẳng vào công nghệ hiện đại, công nghệ cao để phát triển kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, rút ngắn khoảng cách so với các nước đi trước, thậm chí trong một số lĩnh vực còn có thể vượt qua các nước đó.
Thực tế cho thấy, nước Anh một mình thực hiện CNH, không có bất kỳ một sự trợ giúp nào từ bên ngoài nên phải tự mò mẫm từ việc nghiên cứu đến triển khai, do đó phải trải qua hàng trăm năm mới chuyển được nền sản xuất nhỏ dựa trên kỹ thuật thủ công thành nền sản xuất lớn, dựa trên kỹ thuật cơ khí. Cụ thể, từ năm 1733 nước này đã phát minh ra “thoi bay” thay thế cho việc lao thoi bằng tay của người thợ dệt, làm tăng năng suất lao động lên hai lần, nhưng phải mất tới 32 năm nữa (năm 1765) họ mới chế tạo được chiếc xa kéo sợi (kéo được 8 cọc sợi một lúc); rồi 4 năm nữa (năm 1769), mới cải tiến việc kéo sợi bằng súc vật thay cho kéo sợi bằng tay; và còn phải đến 16 năm nữa (năm 1785) mới phát minh ra được chiếc máy dệt vải thật sự (đưa năng suất dệt vải tăng lên tới 40 lần). Như vậy, để có được một chiếc máy dệt hoàn chỉnh, nước Anh đã phải chờ đợi mất hơn nửa thế kỷ (52 năm), và để những chiếc máy dệt đó được ứng dụng một cách phổ biến thì phải đến tận những năm 20 – 30 của thế ký XIX (tức phải mất thêm khoảng 40 năm nữa). Trong khi đó, với Mỹ những tiền đề kỹ thuật cho sự ra đời của công nghiệp nước này về căn bản đã được cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Anh tạo ra từ trước đó, vì vậy quá trình phát triển kỹ thuật sản xuất đã được rút ngắn. Trên cơ sở tiếp nhận “làn sóng di cư” của kỹ thuật nước Anh, khoa học kỹ thuật nước Mỹ đã có sự phát triển hết sức nhanh chóng. Chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ (1851-1860), tại Mỹ đã có tới 23.140 phát minh kỹ thuật được áp dụng trong thực tiễn, nhờ đó đã giúp nước này rút ngắn thời kỳ công nghiệp hóa hơn so với Anh.
Đến lượt Nhật Bản, dù đã có một số tiền đề kinh tế do Anh và Mỹ tạo ra rồi nhưng cũng chỉ giúp Nhật Bản có thể vận dụng và rút ngắn giai đoạn phát triển công nghiệp của mình hơn hai nước đó, chứ vẫn chưa đủ sức” để nhảy vọt sang kỹ thuật hiện đại trong thời gian ngắn hơn như các nước công nghiệp mới (NICs)các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASESAN) sau này. Chẳng hạn, trong ngành dệt bông, phải đến giữa thập kỷ 1880 thì Nhật Bản mới thay thế được tình trạng kéo sợi từ sử dụng lao động thủ công sang sử dụng bằng máy móc, và phải sau đó gần hai chục năm nữa (đến năm 1897) thì ngành công nghiệp sản xuất sợi của Nhật Bản mới đứng vững được, trở thành một ngành công nghiệp xuất khẩu. Ngược lại, các NICs Châu Á đã tiến kịp Nhật Bản trong lĩnh vực này vào đầu thập niên 1970, còn các nước ASEAN-4[1] thì đuổi kịp Nhật Bản vào thập niên 1980, và đến cuối thập niên đó, Trung Quốc cũng đuổi kịp Nhật Bản. Như vậy, thời gian để Nhật Bản đuổi kịp Anh Mỹ thì rất dài, nhưng các nước sau này đuổi kịp Nhật Bản chỉ cần một thời gian ngắn hơn, do được kế thừa các thành tựu khoa học-kỹ thuật của các nước đi trước tạo ra. Thêm một ví dụ nữa về việc sản xuất tivi màu để chứng minh điều này. Vào thập niên 1970 mới chỉ có Nhật Bản sản xuất mặt hàng này, nhưng vào cuối thập niên đó ngành này đã bắt đầu phát triển tại Hàn Quốc và Đài Loan, rồi tại Malaixia và Thái Lan từ cuối thập niên 1980, và Trung Quốc trở thành nước sản xuất tivi màu nhiều nhất thế giới từ nửa sau thập niên 1990.
So với Nhật Bản thì các NICs và ASEAN có ưu thế hơn trong việc thừa hưởng các thành tựu công nghệ của nước đi trước. Đó là, sự hình thành khuôn mẫu công nghệ - kỹ thuật mới dựa trên sự phát triển của nền kinh tế tri thức. Những công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ sinh học, công nghệ vi điện tử, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông, người máy kỹ thuật… đã tạo những “bệ phóng” để các nước này tăng tốc, đuổi kịp Nhật Bản và các nước đi trước khác. Các nước đi sau không chỉ nhận được sự chuyển giao từ các nước đi trước về công nghệ - kỹ thuật, mà còn tiếp thu cả thể chế (như tổ chức tín dụng - ngân hàng, các hình thái công ty, các phương thức hoạt động ngoại thương, kỹ năng quản lý)…, nhờ đó tránh được những rủi ro do không phải tự tìm kiếm một mô hình và phương tiện phát triển mới.
 Như vậy, các nước đi đầu trong tiến trình công nghiệp hóa, do không có sự trợ giúp từ bên ngoài, phải tự mò mẫm, nên công nghệ mới được tạo ra rất chậm và ít; trong khi đó các nước đi sau do được “thừa hưởng” công nghệ của các nước đi trước tạo ra nên đã nhanh chóng có được những công nghệ hiện đại nhất để rút ngắn thời kỳ CNH của mình. Nhờ đó, các nước này thực hiện bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, tạo khả năng giao l­ưu và cạnh tranh quốc tế, có điều kiện để đuổi kịp các nước đi trước.
Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa khi thế giới đã trải qua quá trình đó hàng trăm năm, trong đó có đến 29 nước đã hoàn thành công nghiệp hóa, trở thành nước phát triển và 15 nước trở thành nước CNH mới. Thêm vào đó, sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ thế giới đã có tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, giúp chúng ta có thể “đảo ngược” lôgic phát triển thông thường để rút ngắn thời kỳ CNH. Đó là, chúng ta có điều kiện áp dụng các thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ ngay từ đầu (thông qua nhập khẩu), bỏ qua một số bước trung gian trong phát triển để đi thẳng vào kỹ thuật tiên tiến, đưa nền kinh tế đạt tới trình độ hiện đại nhất trong thời gian ngắn hơn so với các nước đi trước. Cũng như vậy, chúng ta có thể sớm xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại nhờ sự trợ giúp, đầu tư của các nước phát triển ngay khi nền kinh tế chưa phát triển (đối với các nước đi trước, hệ thống kết cấu hạ tầng được phát triển sau cùng trong quá trình cách mạng công nghiệp). Chắc chắn đó là những tiền đề rất quan trọng để Việt Nam có thể rút ngắn thời kỳ công nghiệp hóa của mình.
Nói cách khác, là nước đi sau Việt Nam có rất nhiều cơ hội để lựa chọn công nghệ tiên tiến mà không nhất thiết phải tự phát minh, và cũng không phải trải qua những bước phát triển tuần tự về công nghệ với thời gian hàng trăm năm như các nước đi đầu đã từng trải qua. Nhưng cần nhớ rằng, để chuyển giao công nghệ mới từ các nước phát triển một cách có hiệu quả, đòi hỏi phải có những điều kiện trong nước tương thích. Đó là, phải có một nguồn nhân lực trình độ cao đủ sức nắm bắt và áp dụng công nghệ hiện đại một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. đó là, phải có một chính phủ  đủ năng lực để điều hành nền kinh tế trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường thế giới
Với đặc trưng cơ bản là một thể chế thống nhất, không cát cứ, không cấm đoán, không có rào cản..., nền kinh tế thị trường (KTTT) tạo khả năng giải quyết nhanh nhạy các vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra, do đó được coi là phương thức tích lũy vốn hữu hiệu để tăng trưởng kinh tế. Nguyên tắc của thị trường là giới doanh gia tự do di chuyển vốn, sản xuất và phân phối các nguồn tài lực một cách hợp lý và có hiệu quả nhất (còn vai trò Nhà nước là điều không thể thiếu được đối với sự tiến bộ xã hội nhưng cũng chỉ can thiệp khi cần thiết). Vì vậy cũng chỉ có thông qua thị trường các nước đi sau mới có cơ hội nắm bắt những thành tựu của nước khác tạo ra, cũng như chuyển giao những thế mạnh của mình cho nước khác. Cho nên, KTTT càng phát triển thì những cơ hội này càng lớn, và việc nắm bắt cơ hội đó sẽ tác động mạnh mẽ đến thời gian hoàn thành công nghiệp hóa nền kinh tế.
Như chúng ta đã biết, công nghiệp hóa tại nước Anh trước đây tuy không có sẵn tiền đề kỹ thuật để áp dụng như các nước đi sau, nhưng nước Anh đã có sự hỗ trợ của thị trường thế giới, nhờ vậy đã thành công. Lúc đó, nước Anh đã biết dựa vào nền kinh tế của nhiều nước để tạo nguồn lực cho CNH đất nước. Thông qua con đường “thương nghiệp tam giác”[2], nước Anh đã phát huy được lợi thế của mình, khai thác lợi thế của nước khác để tạo vốn cho CNH. Nguồn vốn thu được từ hoạt động ngoại thương được đầu tư vào phát triển nông nghiệp, công nghiệp da, và cuối cùng là phát triển công nghiệp nặng. Vậy là, nhờ có thị trường thế giới mà các nhà kinh doanh nước này đã biết kết hợp vốn tích lũy từ nước ngoài với điều kiện tài nguyên và lao động trong nước, từng bước phát triển các lĩnh vực sản xuất. Có thể nói, nếu không có thị trường thế giới, thì thời gian hoàn thành CNH của nước Anh không phải là 120 năm, mà chắc chắn sẽ dài hơn.
Vào giữa thế kỷ XIX nền KTTT đã phát triển khá mạnh. Thị trường đã phát triển không chỉ bó hẹp trong phạm vi từng vùng, từng nước nữa mà đã phát triển trên phạm vi thế giới; không chỉ có thị trường sản phẩm, mà còn có thêm thị trường các yếu tố sản xuất. Có nghĩa là, các nước sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận những thành tựu văn minh của nhân loại. Trong điều kiện đó, các nước CNH thuộc làn sóng thứ hai (diễn ra vào những năm 1840) và thứ ba (diễn ra vào những năm 1880) đã nắm bắt được cơ hội do thị trường thế giới tạo ra để rút ngắn thời kỳ CNH. Kết quả là nước Mỹ đã rút ngắn được thời kỳ CNH hơn nước Anh tới 30 năm; còn Nhật Bản lại rút ngắn hơn so với Mỹ 20 năm nữa
Đến giữa thế kỷ XX, thế giới bước vào giai đoạn phát triển KTTT hiện đại. Các nước và vùng lãnh thổ Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapo đã tranh thủ tận dụng những lợi thế do thị trường mang lại, mở rộng quan hệ kinh tế với các nước phát triển để tìm kiếm nguồn vốn cho CNH, đặc biệt là nguồn tư bản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Mỹ và Nhật Bản. Thông qua nguồn vốn này, các NICs phát huy được tốt nhất những lợi thế hợp lý của nước đi sau, nhanh chóng tiến hành CNH, đưa đất nước phát triển lên một tầm mới. Ngoài đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nước  này còn tranh thủ tối đa nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA). Tại Hàn Quốc và Đài Loan, nguồn vốn viện trợ của Mỹ đã chiếm đến hơn 30% tổng vốn đầu tư của mỗi nước trong thời kỳ những năm  1950 và 1960 (8). Còn vào hai thập niên cuối của thế kỷ XX, nhân loại bước vào giai đoạn phát triển hết sức mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức, thì khía cạnh thay đổi công nghệ cũng như lợi thế so sánh của các ngành công nghiệp trên thị trường quốc tế càng được các nước CNH muộn coi trọng.
Sau NICs, các nước ASEAN và Trung Quốc cũng đã rất nhạy bén trong việc nắm bắt những ưu thế của KTTT thế giới để chuyển giao công nghệ, vốn, và kinh nghiệm quản lý từ các nước CNH đi trước. Các nước này đã biết kết hợp chính sách công nghiệp và chính sách thương mại, nhất là thương mại quốc tế trong quá trình hoạch định các bước đi của quá trình CNH, nhờ đó họ phát huy được lợi thế về tài nguyên và lao động của mình, tranh thủ được nguồn vốn và công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Nhờ vậy, chỉ sau một vài thập niên phát triển, khoảng cách chênh lệch về trình độ công nghệ giữa các nước ASEAN và Trung Quốc so với NICs, Nhật Bản và Mỹ được rút ngắn. Thậm chí, vào đầu thập niên 1990, Trung Quốc hầu như chưa có khả năng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và Nhật Bản, nhưng đến những năm 2000 đã chiếm lĩnh trên dưới 30% tổng nhập khẩu của Nhật Bản trong hầu hết các hàng điện và điện tử gia dụng. Thị phần của Trung Quốc tại thị trường Nhật Bản rất đáng kể: 29% về máy điều hoà không khí, 33% về máy giặt, 44% về đồ nhiệt điện gia dụng, 43% về radio, và 24% về tivi màu. Còn thị phần của các nước ASEAN tính chung tương ứng là 35%, 30%, 31%, 44% và 67%. Từ đó có thể thấy, vai trò của sự phát triển KTTT thế giới là hết sức to lớn đối với quá trình CNH rút ngắn của các nước đi sau.
Phải thừa nhận rằng, nếu không có sự phát triển mạnh mẽ của nền KTTT thế giới để tận dụng ưu thế của phân công lao động quốc tế thì Trung Quốc sẽ không bao giờ có được nền công nghiệp  luyện kim hiện đại (thay thế cho những lò luyện thủ công theo mô hình “nhà nhà làm gang thép” của những năm 1950 – 1960 của thế kỷ trước) để biến những nguồn tài nguyên sẵn có thành những sản phẩm cần thiết mà ngày nay nó đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Sở dĩ Trung Quốc và ASEAN giữ được sức cạnh tranh quốc tế về các sản phẩm điện, điện tử gia dụng chính là nhờ biết “đứng trên vai những người khổng lồ”, bằng cách thu hút  các dự án FDI từ Nhật Bản, thông qua các công ty đa quốc gia. Nhiều người coi đó là cách khôn ngoan để các nước CNH muộn chen chân vào thị trường công nghệ thế giới.
Việt Nam chủ trương mở cửa thị trường cách đây hơn 20 năm, và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường khu vực và toàn cầu. Hiện tại, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã có nhiều thay đổi theo hướng mạnh lên, tức là chúng ta đang ở một quỹ đạo vận động mới. Đó là tiền đề tất yếu, là động lực để phát huy lợi thế tương đối của mình, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa. Khác với các giai đoạn trước, hiện nay Việt Nam đã là thành viên chính thức và đầy đủ của Tổ chức Thương mại Thế giới, và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế khác như APEC, ASEAN, Tiểu vùng sông Mêkông.... Đặc biệt, nước ta lại nằm trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới (Châu Á), có nhiều thể chế song phương và đa phương đã đi vào hoạt động, trong đó nổi bật là các Hiệp định Thương mại song phương, sự hình thành các khung khổ hợp tác ASEAN + 1, ASEAN + 2 hay ASEAN + 3, và trong tương lai sẽ là những Hiệp định Thương mại tự do khác. Có nghĩa rằng, nền kinh tế nước ta đã và sẽ có cơ hội và thể chế để trở thành một bộ phận hợp thành hữu cơ của kinh tế thị trường toàn cầu, nhờ đó chúng ta sẽ có một thị trường rộng lớn để tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cùng các nguồn viện trợ phát triển của các nước và các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)... nhiều hơn, và có điều kiện tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý hiện đại hơn. Như vậy, việc mở rộng thị trường thế giới, nhờ sự tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu sẽ tạo cho Việt Nam có được những điều kiện cần thiết cho CNH, sẽ nhanh chóng tiếp cận được với những thành tựu mới nhất của công nghệ thế giới trong khi chúng ta chưa có đủ khả năng để sáng tạo công nghệ mới. Tất cả điều đó sẽ là cơ hội để chúng ta rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HÐH).
Sự phát triển của thị trường toàn cầu tuy đã mở ra cơ hội cho chúng ta trong việc du nhập những điều hay, điều tốt của thế giới, nhưng nếu không biết nắm bắt thì nguy cơ sẽ lớn hơn cơ hội. Đó là sự cạnh tranh quyết liệt trên cả ba cấp độ (sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế), trên cả thị trường quốc tế và thị trường nội địa do hàng rào bảo hộ bị dỡ bỏ, do phải thực hiện chế độ đãi ngộ tối huệ quốc và đối xử quốc gia… Vì vậy, để tranh thủ được cơ hội nhiều nhất từ thị trường quốc tế cho sự nghiệp CNH, HÐH và ít phải trả giá nhất, đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt cho công cuộc hội nhập quốc tế, trong đó quan trọng là nâng cao trình độ nguồn nhân lực, trước hết là trình độ của bộ máy nhà nước.
3. Nguồn nhân lực trình độ cao
Con người là chủ thể của CNH, HĐH. Con người không chỉ là yếu quyết định để thực hiện chuyển giao công nghệ, mà còn là chủ thể tạo ra công nghệ hiện đại và sử dụng chúng để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, quỹ vốn con người của mỗi quốc gia là yếu tố quan trọng để tăng quy mô và tốc độ phát triển kinh tế của nước đó. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chỉ có những người lao động trình độ cao mới biết sáng tạo ra những cái thị trường thế giới cần từ những cái sẵn có của nước mình; đồng thời cũng chỉ có họ mới “đủ sức” để tiếp thu những tinh hoa của nhân loại và thuần hóa nó để phục vụ sự phát triển kinh tế đất nước, rút ngắn thời kỳ CNH. Thực tiễn cho thấy, các nước và vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapo đạt được nhiều thành công hơn trong tiến trình CNH, HĐH so với các nước đi trước là do họ có đội ngũ trí thức lớn, có khả năng tiếp thu vốn tri thức mới, công nghệ tiên tiến và áp dụng thành công ở đất nước họ.
Nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước hết là đội ngũ cán bộ khoa học - kĩ thuật, các chuyên gia kinh tế, những nhà quản lí kinh tế - xã hội, đội ngũ công nhân lành nghề. Có thể coi nguồn lực con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nguồn lực của mọi nguồn lực khác, vì vậy trình độ của nguồn lực này cao hay thấp sẽ quyết định đến thời gian hoàn thành CNH dài hay ngắn.
Kinh nghiệm của các nước phát triển đều cho thấy vai trò to lớn của nguồn nhân lực trong quá trình CNH, HĐH. Chính Nhật Bản cũng đã thừa nhận, rằng quan chức nhà nước (bộ phận quan trọng nhất của nguồn nhân lực) đóng vai trò hết sức quan trọng đối với thành công của chiến lược phát triển quốc gia. Chính lực lượng này đã giúp  Nhật Bản có được các chính sách và thực hiện chính sách phát triển kinh tế một cách hiệu quả, nhờ đó rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước. Vai trò của nguồn nhân lực đã được Chính phủ Nhật Bản nhận thức từ rất sớm, thể hiện là ngay sau cách mạng Minh Trị, Chính phủ nước này đã xác định 3 chính sách trụ cột để CNH đất nước, trong đó 1 trụ cột là con người[3]. Sự thành công của Hàn Quốc trong chiến lược du nhập công nghệ nước ngoài để CNH đất nước cũng là đi từ phát triển nguồn nhân lực. Họ xác định, đối với những ngành muốn đi nhanh vào kinh tế tri thức trước hết phải có đội ngũ trí thức đồng bộ và có chất lượng cao, đội ngũ những tài năng đủ sức sáng tạo và làm chủ công nghệ, nắm bắt được bí quyết công nghệ cao. Hay trường hợp Ấn Độ cũng vậy, tiềm năng trí tuệ của nguồn lực con người, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học của nước này đã cho phép Ấn Độ chuyển rất nhanh vào quá trình phát triển hiện đại. Trong hơn một thập niên gần đây, khi Ấn Độ bắt đầu thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực tin học (sản xuất phần mềm) đã tạo cho nước này một bước nhảy vọt về kinh tế. Hiện tại, Ấn Độ đang là một trong những cường quốc tin học của thế giới. Đó chính là nhân tố để Ấn Độ có thể rút ngắn thời kỳ CNH, HĐH của họ.    
Trong nguồn lực con người thì các nhà quản lý và giới kinh doanh có vị trí đặc biệt quan trọng đối với quá trình CNH, HÐH. Nhiều nước Châu Á đều nhận thức rằng, để có một nền kinh tế hiện đại cần hình thành nhanh chóng giới kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh lớn, và khả năng quản lý giỏi. Giới kinh doanh này, nhất là các nhà công nghiệp và nhà tài chính không chỉ đóng vai trò như một động lực chính thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế từ bên trong, mà còn là lực lượng chủ yếu đóng vai trò đối trọng trước các đối tác từ bên ngoài, nhất là khi đất nước mở cửa có nhiều nhà đầu tư tràn vào. Nếu không có lực lượng đối trọng về kinh tế này thì sự độc lập về chính trị cũng sẽ bị đe dọa. Vì lẽ đó mà tại các NICs, việc tạo điều kiện thuận lợi cho giới kinh doanh phát triển đã trở thành một chính sách thường xuyên của Chính phủ. Họ xác định, có giới kinh doanh giỏi ắt sẽ có người đứng ra huy động vốn, có người xây dựng công nghiệp, có người tạo việc làm, nhờ đó rút ngắn thời gian hoàn thành CNH.
Vai trò của nguồn nhân lực càng quan trọng hơn khi thế giới đã chuyển sang một giai đoạn mới trong sự phát triển kinh tế toàn cầu: nền kinh tế tri thức. Đó là vì, cuộc cạnh tranh thế giới đã chuyển từ cạnh tranh nguồn tài nguyên sang cạnh tranh nguồn nhân lực, đòi hỏi con người phải đạt đến trình độ văn hóa và chuyên môn kỹ thuật cao. Có nghĩa là, nếu trước đây, nước nào giàu tài nguyên thiên nhiên sẽ có cơ hội bỏ xa các nước khác trong phát triển, thì giờ đây nước nào có “chất xám” mới là nước “đi trước thời đại. Đó là điều kiện giúp các nước đang CNH tuy không có đủ vốn vật chất để tạo ra tri thức mới, nhưng vẫn tạo được những bước nhảy vọt trong quá trình CNH, HĐH.
Tại Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996) cũng đã nhận thức được vai trò của nguồn nhân lực đối với thành công của CNH, HÐH. Đại hội xác định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”. Là “yếu tố cơ bản của sự phát triển” nhưng chất lượng nguồn nhân lực hiện tại ở nước ta quá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của CNH, HÐH trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam hiện nay mới đạt chưa đầy 30%, lại bất hợp lý về cơ cấu[4].  Theo điều tra của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tại 63.000 doanh nghiệp ở 36 tỉnh, thành phố trong cả nước, có đến 34,3% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ học vấn dưới cấp ba; chỉ có 2,99% chủ doanh nghiệp có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Còn theo công ty tư vấn việc làm VietnamWorks thì nguồn nhân lực quản lý cấp cao tại Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% nhu cầu. Những kết quả đó đã cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ nhân lực bậc cao, cũng như các giám đốc điều hành doanh nghiệp. Đó là những nhân tố kéo dài thời gian hoàn thành CNH ở nước ta.
Tuy vậy, nguồn lực con người của Việt Nam khá đông (ước có hơn 45 triệu người vào năm 2008, chiếm 52,3% dân số), và có ưu thế nổi trội là tiếp thu cái mới khá nhanh, nên nếu biết bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho họ thì đây sẽ là lợi thế cạnh tranh dài hạn của nước ta. Nhưng cần phải hiểu rằng, nguồn nhân lực trình độ cao không phải tự nhiên có được, mà hầu hết đều được tạo ra thông qua giáo dục đào tạo. Vì vậy, chiến lược chung là chính phủ, các chủ doanh nghiệp và gia đình đều phải tích cực đầu tư tiền của và thời gian cho giáo dục đào tạo để con người tích lũy được tri thức và kỹ năng. Có thể nói, đây là điều kiện cơ bản nhất để thực hiện CNH rút ngắn tại nước ta. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể biến lợi thế tiềm năng này thành hiện thực, nhằm khai thác tối đa các thành tựu mới của khoa học - công nghệ thế giới, tăng tốc tiến trình CNH, HÐH đất nước.
4. Một chính phủ hiệu quả
Theo quy luật thì các nước CNH muộn đều có thể rút ngắn thời kỳ CNH của mình, nhưng rút ngắn thế nào, rút ngắn được đến đâu lại phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó vai trò chính phủ là đặc biệt quan trọng. Nói khác đi, CNH rút ngắn là khả năng tiềm ẩn đối với mọi quốc gia CNH muộn, nhưng để biến khả năng ấy thành hiện thực thì vai trò chính phủ là không thể thiếu, nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế tri thức hiện nay. Đó là vì, sự phát triển kinh tế tri thức tất yếu dẫn đến hệ qủa là sự phân cực trong phát triển, thành nhóm các nước phát triển và chậm phát triển, nhóm người giàu và người nghèo, nhóm tiếp cận thông tin nhiều và tiếp cận thông tin ít… Cho nên, nhiệm vụ của mỗi quốc gia là phải đưa nền kinh tế nước mình vào nhóm phát triển và giữ vững vị trí đó, không để tụt hậu so với nước khác; và phải làm sao giảm thiểu sự phân cực ở trong nước đến mức có thể chấp nhận được. Nhiệm vụ đó được thực hiện đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò “đầu tàu” và “quyết sách” của chính phủ mỗi nước. Vai trò đó được thể hiện ở việc tạo những tiền đề cho nền kinh tế tri thức phát triển, trước hết là cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển nguồn nhân lực tiếp cận với kinh tế tri thức…, và một cơ chế thực thi hiệu quả. Những tiền đề và cơ chế đó sẽ khuyến thích tính năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân để tận dụng tài nguyên tri thức, năng lực sáng tạo của dân tộc mình để đi nhanh vào nền kinh tế hiện đại, nhằm chiếm giữ một vị trí nào đó trong nền kinh tế thế giới, và trở thành một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thế giới thống nhất.
Sự thành công của CNH tại nhiều nước đi sau là bằng chứng về tính không thể thiếu của một chính phủ hiệu quả. Sở dĩ các NICs đã rút ngắn được thời gian hoàn thành CNH so với các nước đi trước, chủ yếu và trên hết là do chính phủ các nước đó đã có những quyết sách đúng đắn. Hầu hết các nước đó đều quyết định “đi thẳng” vào hiện đại hóa cơ cấu kinh tế, lấy định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm cơ sở cho việc lựa chọn trang bị kỹ thuật, công nghệ  và đào tạo nhân lực (ngược lại với trình tự của các nước đi trước là CNH được bắt đầu  từ việc trang bị kỹ thuật, từ đó dẫn đến sự thay đổi cơ cấu kinh tế); biết lựa chọn những ngành, những lĩnh vực ưu tiên để tiến thẳng vào công nghệ hiện đại mà không lựa chọn con đường trải qua các giai đoạn phát triển trung gian. Cách thức tiến hành CNH như vậy đã tạo sự chủ động hơn trong quá trình tiến hành, nhờ đó tốc độ CNH cũng nhanh hơn. Chính sách phổ biến được các quốc gia này đưa ra là tập trung phát triển khoa học công nghệ, dùng khoa học - công nghệ làm đòn bẩy để phát triển các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, Chính phủ Hàn Quốc và Đài Loan đã ban hành chính sách phát triển khu khoa học - công nghiệp; Chính phủ Singapo thì tập trung xây dựng công viên khoa học - công nghệ; Chính phủ các nước Inđônêxia và Philippin… thì lại chủ trương xây dựng các khu chế xuất.v.v…
Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong quá trình công nghiệp hóa 20 năm cuối thế kỷ XX là thể hiện rõ nét nhất vai trò của Chính phủ trong quá trình thực hiện CNH kiểu mới. Những quyết sách của Chính phủ nước này đưa ra là hết sức độc đáo và mang lại những thành công thật ngạc nhiên cho cả thế giới, như: công nghiệp hóa kết hợp chủ nghĩa xã hội với thị trường; sự tồn tại một đất nước hai chế độ; tạo cơ chế “lỏng” để phát huy năng lực cá nhân… Chẳng hạn, trong khi nhiều nước sợ bị chảy máu chất xám ra nước ngoài, thì Đặng Tiểu Bình chủ trương gửi càng nhiều con em ra nước ngoài học tập càng tốt, nhất là sang Mỹ, mà không bắt buộc họ phải quay trở về khi học xong. Khẩu hiệu mà Đặng Tiểu Bình đưa ra gồm 12 chữ: “Giúp đỡ đi học” (khuyến khích, động viên gia đình, công ty nhà nước tìm mọi cách để tuyển chọn người gửi đi học ở Mỹ, không hạn chế số lượng); “Khuyến khích trở về” (không đặt điều kiện cho người đi học phải quay trở về nước, mà ai quay về là trung thành với Đảng cộng sản, với nhân dân; còn ai ở lại sẽ là Hoa kiều yêu nước); và “Tự do đi ở” (tức là, nếu ai đó trở về nước làm việc mà thấy không toàn tâm và muốn đi thì lại cho đi; còn ai làm ăn đàng hoàng ở nước ngoài rồi muốn quay về thì lại mời về). Thoạt nghe thì quyết sách đó có vẻ dễ dãi, nhưng thực chất lại có sức hút khá “chặt”, bởi Trung Quốc biết gắn vào cơ chế đó những điều kiện đi kèm hấp dẫn. Ví dụ, những người nào đang sinh sống và làm việc tại Mỹ mà đất nước cần, thì Chính phủ (cụ thể là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật) đích thân viết thư tay mời họ về nước làm việc với điều kiện kèm theo là: mức lương cao hơn gấp mấy lần lương giáo sư Đại học Bắc Kinh, được cấp nhà ở và ô tô. Điều đặc biệt là, nếu hết hạn hợp đồng họ muốn quay lại Mỹ cũng được. Với cơ chế thoáng như vậy, nên tỷ lệ sinh viên đi học tại Mỹ quay về ngày càng tăng, từ 2 – 3% trong thời kỳ đầu lên 30 – 35% hiện nay (mỗi năm Trung Quốc có từ 50.000 - 70.000 sinh viên đi học và làm việc tại Mỹ). Trong khi đó, tại nhiều nước đang phát triển khác, số người rời bỏ đất nước đi ra nước ngoài rất nhiều, mặc dù các chính phủ đã rất cố gắng để giữ họ. Chẳng hạn, năm 2003 tại Giamaica đã có 500/22.000 giáo viên (khoảng 2,3%) tới làm việc tại Anh; hàng năm tại Ấn Độ có ½ số cán bộ tin học được đào tạo ra nước ngoài làm việc… Có tình trạng khác nhau như trên chính là do hiệu quả từ những quyết sách của các chính phủ khác nhau.                  
Trường hợp Nhật Bản, một nước không thuộc phương Tây lại sớm trở thành nước công nghiệp cũng là do vai trò to lớn của Chính phủ. Cụ thể là, Nhật Bản có một Chính phủ mạnh, biết nắm bắt những lợi thế của nước đi sau và “thích ứng chuyển đổi” chúng. Ngay từ những năm đầu của quá trình CNH (năm 1871), Chính phủ Minh Trị đã biết cử các quan chức đi du học tại những nước tiên tiến trong một thời gian dài (2 năm) để tiếp thu kinh nghiệm của họ cách thức tổ chức về mặt chính trị, kinh tế, giáo dục, rồi “Nhật Bản hóa” chúng. Chính phủ Minh Trị còn tiến hành xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cùng với việc phát triển các ngành công nghiệp then chốt, nhờ đó chỉ một thời gian ngắn (1869-1872), Nhật Bản đã có được tuyến đường sắt đầu tiên nối liền Tokyo và Yokohama; và đến năm 1880 thì trong lĩnh vực công nghiệp đã có 2 xưởng đóng tàu, 51 tàu buôn, 5 xưởng chế tạo đạn dược, 52 nhà máy các loại khác, 10 hầm mỏ, 75 dặm đường xe lửa và 1 hệ thống điện tín thuộc nhà nước quản lý. Ngoài ra, Chính phủ còn có chính sách cụ thể để giúp đỡ các hãng tư nhân về mặt tài chính đồng thời tạo điều kiện dễ dàng để họ mua được những máy móc mà Chính phủ nhập từ nước ngoài về để phục vụ cho mục đích mở mang công nghiệp. Đấy chính là lý do cơ bản giúp nước này rút ngắn thời kỳ CNH của họ.
Có thể thấy, cơ hội mà thời đại tạo ra thì bình đẳng đối với các nước, nhưng tại sao lại có nước đạt được nhiều thành công hơn, thậm chí có nước phải chịu thất bại trong quá trình CNH? Câu trả lời không gì khác hơn là do trình độ nhận thức và nắm bắt cơ hội của các chính phủ không giống nhau. Có chính phủ biết tiếp thu kinh nghiệm của nước ngoài và thích ứng chuyển đổi, làm cho nó phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước nên gặt hái được nhiều thành công (như Nhật Bản, các NICs, và một số nước ASEAN); nhưng cũng có chính phủ chỉ tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài một cách thụ động, áp dụng “máy móc, dập khuôn” vào nước mình, không biết đến điều kiện thực tiễn khác nhau thế nào nên đã thất bại (như các nước XHCN trước đây).
Tại Việt Nam, kể từ năm 1986, Đảng và Chính phủ đã nhận thức ra những hạn chế của mô hình CNH theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung kéo dài trong suốt mấy chục năm, thậm chí ngay cả khi đất nước đã thống nhất, vì vậy đã từ bỏ cách thức nhà nước làm công nghiệp hóa, và chuyển sang cách thức nhà nước tạo môi trường cần thiết để toàn dân làm công nghiệp hóa. Những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội sau hơn 20 năm đổi mới kinh tế ở nước ta đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của Chính phủ trong quá trình CNH, HÐH.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, cho đến nay dấu ấn của cơ chế cũ (tư tưởng thụ động, trông chờ ỷ lại, quan hệ xin-cho, can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp...) vẫn đang đeo bám đối với nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chính đó cũng là một trong những nhân tố kéo dài tiến trình CNH ở nước ta. Vì vậy, để tiến hành CNH, HÐH rút ngắn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay, cần phải có một Chính phủ mạnh và hoạt động có hiệu quả, biết tiếp nhận các yếu tố của quốc tế mà không đánh mất bản sắc của chính mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ KH-CN-MT, Bộ Ngoại giao, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Kinh tế tri thức và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, HN, 2000
2. Lê Cao Đoàn (CB), Công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thế giới, Nxb KHXH, HN, 2008
3. An Như Hải, Vai trò của Nhà nước trong các mô hình công nghiệp hóa rút ngắn - Bài học đối với Việt Nam, www.irv.moi.gov.vn 
4. Đỗ Hoài Nam (CB), Một số vấn đề về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb KHXH, HN, 2003
5. Nguyễn Xuân Thắng (CB), Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb KHXH, HN, 2007.
6. Ngô Đăng Thành (CB), Các mô hình công nghiệp hóa trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Nxb CTQG, HN, 2009
7. Thành tựu của cách mạng công nghiệp, http://vi.wikipedia.org/wiki/
8. Trần Văn Thọ, Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam, Nxb CTQG, HN, 2005
9. Viện KTTG, Các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới, Nxb Thống kê, HN, 1994

[1]  Các nước ASEAN-4 gồm: Malaixia, Philippin, Indônêxia, và Thái Lan  
[2] Nước Anh đã bán các hàng hóa tiểu xảo sang Châu Phi; mua “hàng hóa sống” từ Châu Phi sang bán tại Tây Ấn Độ; rồi lại mua đường, bông, chàm, mật và các hàng quý khác từ Ấn Độ mang về Anh.
[3] Ba trụ cột là: “công nghiệp lập quốc”, “giáo dục lập quốc”, và “thương mại lập quốc”
[4] Cơ cấu đào tạo chuẩn quốc tế là đào tạo 1 đại học và trên đại học thì tương ứng phải đào tạo 3 trung học chuyên nghiệp và 5 công nhân kỹ thuật, nhưng tại Việt Nam tỷ lệ đó là 1 - 1,13 - 0,92.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!