Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐỔI MỚI KINH TẾ VÀ ĐỔI MỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM

              GS, TS Trần Phúc Thăng
 Có thể nói, đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là một nội dung cơ bản nhất của Việt Nam từ năm 1986 đến nay.
Đây là vấn đề được xác định ngay từ thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới.
Từ năm 1975, sau khi thống nhất đất nước và bước vào giai đoạn phát triển mới.  Song từ 1975 đến 1985 là thời kỳ chế độ tập trung quan liêu bao cấp kéo dài mà kết cục là sự khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra một cách gay gắt. Đặc biệt là tình trạng lạm phát tăng nhanh. Số người thất nghiệp và bán thất nghiệp ngày càng nhiều, tình trạng xã hội ngày càng khan hiếm các mặt hàng thiết yếu đã tạo ra sự bất bình ổn trên nhiều lĩnh vực.
Đánh giá tình trạng kinh tế - xã hội  trước đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã nhận định: “Nhìn chung, chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu do Đại hội Đảng lần thứ V đề ra là về cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân”[1].
Xuất phát từ thực tế đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước trong đó đặc biệt chú ý đến việc đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là hai lĩnh vực cơ bản nhất của đời sống xã hội. Văn kiện Đại hội Đảng xác định rõ: “Về quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, phải tập trung sức làm tốt đổi mới  kinh tế “và” đồng thời với đổi mới kinh tế, phải từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị”. Quan điểm cơ bản này đã được hiện thực hóa và đã đem lại những kết quả quan trọng.
Ngay từ những năm đầu tiên của quá trình đổi mới, “từ 1986-1990 bình quân mỗi năm tổng sản phẩm trong nước tăng lên 5.28. Nạn lạm phát từng bước được đẩy lùi. Tính chất gay gắt của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài từ cuối những năm 1970 đến nay đã giảm được một phần”[2]. Đặc biệt, trên lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra được bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa hết sức to lớn.
Tuy nhiên, cho đến năm 1990, đời sống xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, khủng hoảng kinh tế- xã hội vẫn chưa chấm dứt, nền kinh tế cơ bản chưa có tích lũy từ thu nhập quốc dân, sản xuất, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, hàng triệu người, trong đó số đông là thanh niên chưa có việc làm hoặc việc làm ổn định. Trật tự, kỷ cương xã hội còn lỏng lẻo. Tiêu cực và tham nhũng còn nhiều; năng lực quản lý của nhà nước, tổ chức bộ máy và cán bộ nhiều mặt chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình. Vì vậy, vấn đề ổn định và phát triển kinh tế, chính trị xã hội lại được tiếp tục nêu ra trong mục tiêu tổng quát của giai đoạn 1991 – 1996. Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII chỉ rõ: “Mục tiêu tổng quát của 5 năm tới là vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng hiện nay”[3].
Trên cơ sở đó, “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000” đã được xây dựng. Chiến lược đã nêu rõ yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế và ổn định xã hội, nêu rõ các yêu cầu cụ thể là phải “đẩy lùi và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân”, và “tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế, hình thành đồng bộ cơ chế thị trường; chỉnh đốn và nâng cao hiệu lực quản lý  của bộ máy Nhà nước, chống tham nhũng, thiết lập trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực kinh tế và xã hội”[4].
Nhờ có đường lối đúng đắn đó mà đất nước đã ra khỏi khủng hoảng, ổn định chính trị - xã hội được giữ vững và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế và chính trị đã được cụ thể hóa bởi các chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực hiện việc đa dạng các hình thức sở hữu, ưu tiên cho sự phát triển của lực lượng sản xuất. Những biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa XHCN, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng giao lưu quốc tế đều nhằm khai thác sức người, sức của để phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời Đảng cũng xác định rõ mục tiêu làm cho kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ngày càng giữ vai trò chỉ đạo.
Để thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (tháng 2- 2002) thảo luận ra đồng htời 5 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết về kinh tế (Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kì 2001 – 2010) và 2 nghị quyết về lĩnh vực chính trị, tu tưởng (Nghị quyết về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; Nghị quyết về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới).
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và các nghị quyết của Hội nghị Trung ương khoá X đã đề ra nhiều nội dung cụ thể nhằm tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các mặt của đời sống xã hội, xây dựng các lực lượng cơ bản của xã hội như giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, thanh niên…
Tất cả các nghị quyết đó đều tạo ra sự kết hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị để khắc phục mặt còn hạn chế và đẩy nhanh tiến trình phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều dấu hiệu thể hiện những yếu tố tiềm ẩn có thể gây mất ổn định xã hội đặc biệt là sự mất ổn định về chính trị. Mặc dù từ khi đổi mới đến nay, sự phát triển về kinh tế đã là nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất đối với việc tạo rặ ổn định về chính trị, song như Viện phát triển kinh tế Havard đã khuyến cáo từ hơn một thập kỷ trước đây: “Sự phát triển kinh tế theo đổi mới cũng vẫn có tiềm năng gây mất ổn định về chính trị. Mặc dù một mức độ phát triển cao là gắn liền với ổn định, song một mức tăng trưởng cao ở những nước nghèo sẽ phân phối lại thu nhập, uy tín xã hội và quyền lực chính trị dẫn tới bất đồng chính kiến”[5].
Điều trước hết phải kể đến là những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đối với xã hội.
Quy luật của kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến xu hướng tích cực và tập trung sản xuất, xu hướng mở rộng sản xuất và do đó cũng đòi hỏi phải tăng thêm nguồn của cải của các chủ kinh doanh. Điều này đã tạo ra những động lực cho sự phát triển các năng lực cá nhân, khuyến khích việc làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, trong quá trình này cũng làm nảy sinh xu hướng chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng bất cứ cách nào.
Vì vậy, trong xã hội đã nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực khác nhau.
- Thứ nhất, hiện tượng buôn gian, bán lậu, làm hàng giả, buôn bán ma tuý, mại dâm, kể cả buôn bán phụ nữ và trẻ em chỉ cốt để kiếm lời. Điều này đã tạo nên sự bất an trong đời sống xã hội.
- Thứ hai, tình trạng tham nhũng, luật chống tham nhũng và Nghị quyết Trung ương 3 khoá X đã chỉ rõ tham nhũng, lãng phí đang phát triển và có chiều hướng nghiêm trọng ở tấtcả các địa phương, các ngành, các lĩnh vực trong các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Tham nhũng ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức tinh vi và gây nên những hậu quả to lớn.
Tham nhũng không chỉ làm thất thoát một số lớn tài sản và tiền bạc của nhân dân, nó còn cản trở sự phát triển và gây ra sự bất bình lớn trong các tầng lớp nhân dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Các thế lực thù địch đang lợi dụng tình trạng này để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm tạo ra sự mất ổn định về chính trị - xã hội.
Nguồn gốc của tham nhũng không chỉ từ kinh tế thị trường, thời bao cấp đã có tham nhũng, nhưng kinh tế thị trường là nhân tố thúc đẩy sự tham nhũng làm cho nó phát triển  như hiện nay và trở thành nguy cơ lớn nhất đối với việc gây mất ổn định chính trị-xã hội
Thứ ba, kinh tế thị trường còn tạo ra sự phân hoá giàu nghèo
Thực ra, sự phân hoá giàu nghèo trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường là một tất yếu khách quan. Cơ chế thị trường bao giờ cũng tạo ra sự phân phối theo nguồn vốn, theo khả năng sản xuất kinh doanh và theo sức lao động, Dù công bằng hay không công bằng thì người có những điều kiện về kinh tế, về sức khoẻ tốt hơn dễ có khả năng thu nhập cao hơn. Những người nghèo, neo đơn, tàn tật, trình độ năng lực kém thuộc nhóm yếu thế, phải chịu mức thu nhập thấp hơn (trừ những người có sự trợ giúp của gia đình và xã hội).
Đối với thế giới điều này là bình thường nhưng đối với Việt Nam, một dân tộc đã quen với lối nghĩ: "Chết một đống hơn sống một người" và với một phần lớn dân cư đã sống trong thời kỳ bao cấp, đã hiểu CNXH như một trạng thái trong đó sự phân phối chủ yếu theo kiểu bình quân, dàn đều thì không phải đã dễ chấp nhận. Thêm vào đó, một bộ phận không nhỏ những người giàu lại làm ăn bất chính, như đã nêu ở phần trên, cũng dễ làm nảy sinh những mâu thuẫn xã hội, tạo ra những sự nhìn nhận tiêu cực về sự phát triển kinh tế và cả về đường lối đổi mới của Đảng. Vì vậy nó càng tạo ra nhân tố tiềm ẩn đối với mất ổn định chính trị – xã hội.
Thứ tư, những tác động của phát triển kinh tế, của CNH, HĐH đến xã hội nông thôn.
Trong quá trình CNH, HĐH, việc xây dựng các khu công nghiệp là một tất yếu khách quan nhưng điều này liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Một là, việc thu hồi đất đai đã làm cho sản xuất nông nghiệp thu hẹp lại, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người dân trở thành vấn đề bức xúc nhất vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của người dân. Thực tế cho thấy, ở các vùng có khu công nghiệp mở ra, con em người dân ở đây chỉ 15 - 20% được tiếp nhận. Số dư ra sẽ lâm vào tình trạng thất nghiệp, tạo nên nhiều hiện tượng phức tạp ở nông thôn trở thành một khả năng gây mất ổn định ở nông thôn.
- Hai là, việc thu hồi đất nhưng sử dụng lãng phí do các qui hoạch "treo", thiểu tính khả thi làm cho một phần lớn đất nông nghiệp đã được thu hồi, không còn khả năng canh tác nhưng cũng chưa được sử dụng vào mục đích xây dựng các khu công nghiệp.
Theo thống kê của Bộ kế hoạch Đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2007, cả nước có 148 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 32.120 ha, phân bố trên 49 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tuy nhiên, mới chỉ có 90 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 19.790 ha và 58 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Chỉ tính riêng 12 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích gần 2.000 ha được thành lập từ trước năm 1998 nhưng đến nay tỷ lệ lấp đầy vẫn chưa đạt 50%. Điển hình là các khu chế xuất Hải Phòng 96 (nay đổi tên thành Khu công nghiệp Đồ Sơn) rộng 150 ha, từ năm 1997 tới nay mới chỉ cho thuê  được vài ha; khu công nghiệp Đài Tư và Daewoo Hanel của Hà Nội với tổng diện tích trên 200 ha thành lập từ năm 1996 nhưng đến nay cũng chỉ mới cho thuê được khoảng trên 10 ha. Trong khi đất khu công nghiệp bị bỏ hoang, phơi nắng, dầm mưa, thì người nông dân lại trở thành "tha nhân", không có đất để sản xuất, thiếu việc làm. Điều đó tạo ra tâm lý ức chế, bất bình trong nhân dân, dễ dẫn đến các xung đột gây mất ổn định xã hội.
CNH, HĐH còn đưa đến sự xung đột về môi trường giữa các cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đã dẫn tới sự ra đời của hàng loạt khu công nghiệp với nhiều nhà máy hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Có thể nói, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp đang có những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Nhiều đơn vị và doanh nghiệp chưa chú trọng đúng mức nhiệm vụ bảo vệ môi trường, các chất độc hại được thải thẳng ra một trường xung quanh mà không qua xử lý hoặc có xử lý nhưng không đảm bảo yêu cầu về an toàn môi trường. Nhìn chung, hầu hết các khu công nghiệp trên cả nước chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường theo qui định. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình hoạt động các khu công nghiệp, khu chế xuất năm 2006, trong số 134 khu công nghiệp đã được phép thành lập và hoạt động, hiện chỉ có 33 khu công nghiệp đã xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, 10 khu công nghiệp đang xây dựng, còn lại 91 khu công nghiệp chưa có công trình xử lý nước thải. Thống kê cho thấy, bình quân ngày đêm các khu công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác. Điều này làm cho cả cộng đồng dân cư, nhất là các cộng đồng dân cư nông thôn lân cận với các khu công nghiệp đang phải đối mặt với thảm hoạ về môi trường. Từ đó, dẫn đến những phản ứng, bất bình và đấu tranh quyết liệt trong nông dân. Chủ trương đưa các nhà máy, xí nghiệp sản xuất ra khỏi thành phố để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường  đô thị (có hàng trăm nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng trong các thành phố lớn cần phải do dời) đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của cư dân vùng nông thôn nơi nhà máy di dời đến. Nhiều nơi, hàng trăm người dân tập trung để phản đối, thậm chí có hành động quá khích để cản trở hoạt động của các nhà máy gây ô nhiễm môi trường, không cho lập bãi đổ chất thải, rác thải gần khu vực dân cư sinh sống, có lúc mâu thuẫn bùng phát gay gắt, trở thành "điểm nóng" về an ninh trật tự. Luật bảo vệ môi trường năm 2005 quy định, người gây ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại, giám định thiệt hại để làm căn cứ đòi bồi thường, buộc các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường phải chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra. Nếu hoạt động gây ô nhiễm môi trường không được ngăn chặn, khắc phục kịp thời, kiên quyết sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ thành các xung đột gay gắt giữa cộng đồng dân cư ở nông thôn với doanh nghiệp, gây mất ổn định xã hội.
CNH, HĐH cũng đưa đến mâu thuẫn trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Nông thôn truyền thống là tổ chức xã hội tiền CNH, HĐH và đô thị hoá, nơi phát sinh và lưu giữ một nền văn hoá truyền thống của dân tộc. Văn hoá truyền thống xét cho cùng là nền tảng tinh thần của sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, những năm qua dưới tác động của mặt trái của CNH, HĐH, đô thị hoá và nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống tốt đẹp ở nông thôn có nguy cơ bị xâm hại, làm biến dạng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng dân cư ở nông thôn. Một bộ phận nông dân bị tha hoá về đạo đức, lối sống, tôn sùng lối sống thực dụng, coi trọng vật chất hơn tình nghĩa, vì lợi nhuận mà sằn sàng bất chấp mọi phương tiện, thủ đoạn để đạt được. Quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong cộng đồng làng xã vốn hồn nhiên và mâu thuần nhất được thay thế bằng quan hệ lợi ích, sòng phẳng. Đã có nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột nghiêm trọng xảy ra giữa anh em, bà con ruột thịt chỉ vì những lợi ích vật chất nhỏ bé.
Bên cạnh đó, những năm vừa qua CNH, HĐH kéo theo đô thị hoá diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, với sự xuất hiện nhiều thị trấn, thị tứ, những trục đường giao thông mới ở các vùng nông thôn. Sự thay đổi đó, có tác động mạnh mẽ tới an ninh trật tự ở nông thôn. Bên cạnh đời sống vật chất, tinh thần và trình độ dân trí của quần chúng ngày càng tăng lên, thì nhiều loại tội phạm và tệ nạn xã hội cũng xuất hiện, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội ở nông thôn. Một số loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm từ trước đến nay chưa từng xảy ra ở nông thôn thì nay đã xuất hiện và diễn biến phức tạp trên diện rộng. Những phần tử này thường kích động, thậm chí khống chế quần chúng đi biểu tình, khiếu kiện, gây rối trật tự công cộng, đe doạ gia đình cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, chơi số đề, mê tín dị đoan, mại dâm cũng có chiều hướng gia tăng, đang tàn phá sự ổn định và bình yên của xã hội nông thôn và các gia đình nông thôn.
Như vậy, bên cạnh những tác động thực sự tích cực, sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng tạo ra những nhân tố không được hạn chế, không được khắc phục, đến một lúc nào đó sẽ tạo ra mất ổn định chính trị - xã hội.
Cùng với những tác động mạnh mẽ về kinh tế thì trong tư tưởng chính trị và trong hệ thống chính trị cũng còn nhiều vấn đề bất cập.
Về tư tưởng chính trị, đại đa số cán bộ đảng viên vẫn giữ vững được tinh thần cách mạng, có tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Song bên cạnh đó cũng có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phai nhạt niềm tin vào CNXH, vào chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cùng với hiện tượng tham nhũng như đã nêu trên là những hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội. Một số suy dồi về đạo đức, lối sống. Một số trở nên quan liêu, bè cánh, cục bộ, tìm mọi cách để tham quan phát tài, có đặc quyền, đặc lợi, xa rời quần chúng nhân dân.
Về mặt tổ chức, tổ chức bộ máy Đảng, Nhà nước vấn còn cồng kềnh, hoạt động vẫn còn kém hiệu lực, hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế trong thời đại kinh tế tri thức và toàn cầu hóa.
Sự lãnh đạo, quản lý kinh tế còn nhiều yếu kém nhiều kẽ hở để các phần tử xấu có thể lợi dụng, kỷ cương luật pháp chưa nghiêm.
So với sự đổi mới của kinh tế, sự đổi mới của chính trị nhìn chung còn chậm và chính điều này đã làm cho những tác động tiêu cực của kinh tế đến sự ổn định chính trị – xã hội không được hạn chế, không được khắc phục và hậu quả ngày càng lớn.
Điều này đòi phải có những giải pháp thực sự tích cực đồng bộ mới có thể tháo gỡ được những khó khăn vưỡng mắc như đã chỉ ra.
Một số kiến nghị
1. Đảng cần xác định rõ mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị hiện nay đã bước sang một giai đoạn mới. Vì vậy, thay cho chủ trương ưu tiên cho phát triển kinh tế phải chuyển thành sự kết hợp hữu cơ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trong từng chính sách, giải pháp phát triển kinh tế cũng như trong từng bước đổi mới chính trị.
Mục tiêu chính trị của nước ta hiện nay đã được xác định là “xã hội công bằng dân chủ, văn minh”, nhưng thực chất của mục tiêu đó vẫn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phải xem mục tiêu này là bất di bất dịch, là vấn đề cốt tử của chế độ chính trị Việt Nam cũng như của dân tộc Việt Nam. Phải tuyệt đối tránh tư tưởng hữu khuynh chỉ chú ý tới lợi ích trước mắt không chú ý tới lợi ích lâu dài, chỉ quan tâm tới kinh tế không quan tâm tới chính trị.
2. Phải xem ổn định chính trị là vấn đề rất bức thiết hiện nay và chỉ có nó mới có thể tạo nên sự phát triển kinh tế.
Để ổn định chính trị, tất cả các chính sách phát triển kinh tế cũng như đường lối chủ trương của đảng phải nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế. Đặc biệt phải chú ý thích đáng đến lợi ích của người lao động, kể cả lao động chân tay và lao động trí óc cùng với việc khuyến khích làm giàu chính đáng tránh những thiên lệch trong quá trình này. Đặc biệt phải chú ý đến việc sử dụng đội ngũ trí thức trong việc hoặch định đường lối chính sách cũng như trong phát triển kinh tế hiện nay. Tránh áp dụng máy móc những kinh nghiệm của nước ngoài.
Đặc biệt, phải giữ vững vị trí của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện đang có tình trạng ngả nghiêng dao động về vấn đề này, vì vậy, phải đẩy mạnh việc giáo dục ý thức chính trị trong các nhà trường từ phổ thông đến cao đẳng, đại học. Đây là vấn đề bức thiết đối với nước ta hiện nay.
3. Phải đẩy mạnh việc đổi mới hệ thống chính trị.
- Đổi mới cách thứuc tổ chức và phương thức hoạt động của bọ máy Đảng và Nhà nước, khắc phục tình trạng cồng kềnh, kém hiệu lực và hiệu quả ở một số cơ quan nhà nước hiện nay.
- Đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp cao. Đối với các cán bộ này không chỉ chú ý về năng lực mà còn phải chú ý về lập trường chính trị, tư cách đạo đức đồng thời phải kết hợp một cách hài hoà giữa lực lượng cán bộ cũ với cán bộ mới, tránh tư tưởng cực đoan trong công tác cán bộ.
Đó là một số suy nghĩ bước đầu, hy vọng đóng góp ý kiến nhỏ vào việc xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.
 Nguồn: Hội thảo “Mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị”, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 10/2009.






[1] Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H. 1987, tr.19.
[2] Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường – Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ: Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cách mạng công nghệ, Nxb CTQG, 1996.
[3] Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ VII, tr. 60.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Nxb Sự thật, H.1991.
[5] Viện nghiên cứu dự báo chiến lược khoa học và công nghệ - Dự án Vietpro 2020: Giới, môi trường và phát triển ở Việt Nam,Nxb CTQG 1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!