Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CHỦ CHỐT Ở VIỆT NAM THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC



TS. Nguyễn Thị Thu Hường
Đại học Quốc gia Hà Nội
CNH, HĐH là con đường phát triển tất yếu của những quốc gia lạc hậu muốn đạt tới trình độ phát triển hiện đại. Trên con đường ấy, tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Xuất phát điểm của đất nước càng thấp bao nhiêu, thì trở lực càng lớn bấy nhiêu. Trong điều kiện đó, một bộ máy lãnh đạo có năng lực, có tầm nhìn chiến lược, nhiệt tâm cống hiến là điều kiện quan trọng hàng đầu đưa đất nước vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, thực hiện thành công CNH, HĐH đất nước. Bộ máy ấy có được sức mạnh lãnh đạo và quy tụ nhân dân, nếu như có được đội ngũ cán bộ chủ chốt tinh túy, “vừa hồng, vừa chuyên”. Tuy nhiên, một hiện thực không thể không công nhận là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế, nhất là năng lực. Vậy, đó là những yếu kém gì? Giải pháp nào khắc phục tình trạng này?
1. “Cán bộ chủ chốt” là bộ phận quan trọng trong đội ngũ cán bộ. Đội ngũ cán bộ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ở các ngành, các cấp có thể nhiều hay ít tuỳ thuộc vào nhu cầu của tổ chức, song cán bộ chủ chốt là những bộ phận quan trọng, là những hạt nhân trong tập thể cán bộ. Nói  cách khác, trong đội ngũ cán bộ nói chung, “cán bộ chủ chốt” là gốc của của công việc, là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quan trọng nhất trong bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước. Cán bộ chủ chốt là những người đứng đầu một ngành, một địa phương, một đơn vị công tác, sản xuất kinh doanh, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị ở đó, phân công nhiệm vụ, chỉ đạo cán bộ công chức của mình hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Cán bộ chủ chốt bao gồm cán bộ lãnh đạo từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, từ cấp vĩ mô cho tới vi mô.
Cán bộ chủ chốt, do vậy, có trách nhiệm chính khi quyết định những vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… và được quyền định đoạt, giải quyết các công việc, xử lý các tình huống diễn ra thuộc phạm vi, chức trách, nhiệm vụ của tổ chức, của các cấp, ngành và phù hợp với pháp luật hiện hành.
Đảng CSVN luôn khẳng định, cán bộ chủ chốt không chỉ là tấm gương để những người dưới quyền, tập thể, cơ quan, địa phương và nhân dân noi theo, mà còn là trung tâm đoàn kết, khai thác và tập hợp mọi nguồn lực, trí tuệ ở đơn vị, địa phương, tổ chức và phát huy sức mạnh tập thể, động viên mọi người ra sức thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Về tiêu chuẩn của cán bộ chủ chốt trong thời kỳ CNH, HĐH, trước hết đội ngũ này phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tuỵ phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, phấn đấu thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Ý thức tổ chức, kỷ luật, trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm là một đòi hỏi không thể thiếu được đối với cán bộ chủ chốt. Cán bộ chủ chốt cũng cần có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hoá, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Các tiêu chuẩn đó có quan hệ mật thiết với nhau.
Ngoài những tiêu chuẩn như trên, cán bộ chủ chốt còn cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; có năng lực dự báo và định hướng phát triển, tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối, chính sách pháp luật; thuyết phục và tổ chức nhân dân thực hiện; có ý thức và khả năng đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu về đạo đức, lối sống; có tác phong dân chủ, khoa học, có khả năng tập hợp quần chúng, đoàn kết cán bộ, có kiến thức về khoa học lãnh đạo, quản lý. V.I. Lênin chỉ ra rằng, để có một năng lực lãnh đạo tốt, thì cán bộ chủ chốt cần có những “đặc điểm chuyên biệt”. Đó là sự “trực giác về tổ chức” hay sự “nhạy bén về tâm lý” của cán bộ. Nói các khác, cán bộ chủ chốt cần phải biết chọn được con đường ngắn nhất, phù hợp nhất để thực hiện hiệu quả công việc được giao và phối hợp mọi người cùng thực hiện.
Trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cấp vĩ mô mang tầm quan trọng đặc biệt. Những nhà lãnh đạo ở cấp vĩ mô, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với lý tưởng CNXH, kết tinh được trí tuệ của toàn Đảng, của nhân dân, nắm bắt được những tri thức của thời đại, có tầm nhìn chiến lược, đủ khả năng đặt ra và xử lý các vấn đề đường lối của Đảng một cách chính xác và sáng tạo là yếu tố quyết định đưa sự nghiệp CNH, HĐH nhanh chóng thành công, đất nước nhanh chóng đạt mục tiêu giầu mạnh, văn minh. Bài học của các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô trước đây cho thấy, nếu cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà phạm sai lầm, thoái hóa về chính trị và đạo đức là vô cùng nguy hiểm, có thể làm tan rã Đảng và sụp đổ chế độ, đẩy đất nước vào thảm họa khôn lường.
Như vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt để đáp ứng  yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH là hêt sức cần thiết. Cũng do vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt, mà việc xây dựng đội ngũ này hoàn toàn không hề dễ dàng. Các tiêu chí về cán bộ chủ chốt được nêu ra ở trên cho thấy, con đường, biện pháp hiệu quả nhất để xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt là phải dựa chắc, bám chặt các tiêu chí đánh giá, quy định cán bộ chủ chốt, từ đó đưa ra những giải pháp mang tính đột phá.
2. Việt Nam đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước – một tất yếu khách quan trong quá trình phát triển. Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong điều kiện hiện nay, cần đáp ứng rất nhiều yêu cầu, song có hai yêu cầu được coi là căn bản, chủ chốt, quan trọng nhất:
Thứ nhất, yêu cầu đảm bảo tính đồng bộ.
Tính đồng bộ là một trong những yếu tố cấu thành chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nó là sự khớp nhau giữa các bộ phận, các khâu, tạo nên sự hoạt động nhịp nhàng của chỉnh thể. Thiếu sự đồng bộ, ắt dẫn đến sự trục trặc, trì trệ trong quá trình vận hành của đội ngũ. Các hoạt động liên quan tất yếu sẽ trật khớp, thiếu nhịp nhàng, hiệu quả kém.
Yêu cầu về tính đồng bộ của đội ngũ cán bộ chủ chốt trước hết là đồng bộ về chất lượng cán bộ. Chất lượng cán bộ thể hiện qua năng lực tư duy, tầm nhìn và năng lực lãnh đạo.
Thứ hai, yêu cầu đảm bảo tính toàn diện.
Tính toàn diện ở đây là người cán bộ trong đội ngũ cán bộ chủ chốt phải chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn. Phải có phong cách làm việc khoa học, phải là người có văn hoá, văn hoá trong lãnh đạo, quản lý, trong giao tiếp và ứng xử, trong sinh hoạt.
Đáp ứng hai yêu cầu ấy và dựa trên tiêu chí cán bộ chủ chốt đã được đề cập, để xây dựng được một đội ngũ cán bộ tài năng, tinh hoa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công việc, cần chú trọng các giải pháp:
Một là, cụ thể hoá tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Sự phát triển của xã hội đòi hỏi tiêu chuẩn của người cán bộ chủ chốt không ngừng được bổ sung, phát triển cả về số lượng các tiêu chuẩn, cả về chất lượng của từng tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn của người cán bộ chủ chốt không phải do mong muốn chủ quan, mà do yêu cầu thực tiễn quy định, cũng không phải ở mỗi người cán bộ đều có sẵn những chuẩn mực để làm cán bộ, mà là một quá trình có ý thức, chủ động rèn luyện, học tập, tu dưỡng mà thành và có sự thống nhất giữa đối tượng với cơ quan tổ chức, quản lý đối tượng qua các hoạt động thực tiễn.
Tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt là một hệ thống yêu cầu về phẩm chất, năng lực cần phải có để cán bộ chủ chốt đảm đương và hoàn thành tốt nhiệm vụ do cương vị công tác đòi hỏi. Việc xác định và cụ thể hoá tiêu chuẩn cán bộ là cần thiết, là khâu then chốt trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chủ chốt nói riêng. Tiêu chuẩn cán bộ là cơ sở để xác định mục tiêu, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với đội ngũ cán bộ hiện có, cũng như cho đội ngũ cán bộ kế cận trong tương lai; là cơ sở cho việc bố trí , sử dụng cán bộ một cách đúng đắn. Đây cũng là mục tiêu để cán bộ phấn đấu, rèn luyện, tự hoàn thiện mình, đồng thời, giúp cho công tác cán bộ đi vào chính quy, nề nếp.
Hai là, đổi mới quan điểm và thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ chủ chốt.
Đánh giá đúng cán bộ là nhằm lựa chọn những cán bộ có đủ đức, đủ tài để bố trí vào các vị trí thích hợp, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Đó cũng là khâu quyết định để xây dựng đúng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận, nhưng nó cũng là khâu rất tế nhị, phức tạp, nhạy cảm và khó khăn, vì dễ gây ra những tâm tư, khúc mắc, gây mất đoàn kết nội bộ, nhất là khi đánh giá cán bộ không dựa trên tiêu chuẩn và hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân, không tuân thủ đúng đắn các nguyên tắc và sự chỉ đạo của cấp trên.
Có hiểu và đánh giá đúng cán bộ mới lựa chọn và đưa đi đào tạo đúng đối tượng và bố trí, sử dụng cán bộ một cách có hiệu quả, phát hiện đúng cán bộ có đức, có tài, từ đó mà đề bạt, cất nhắc cán bộ, tránh được sai lầm, thiếu sót, phát huy được tính tích cực và hạn chế các tiêu cực trong cán bộ và công tác cán bộ.
Trong giai đoạn hiện nay, khi công cuộc đổi mới đất nước đang được đẩy mạnh một cách toàn diện và sâu sắc, thì việc đánh giá cán bộ cần phải có quan điểm và phương pháp thực sự khoa học, khách quan, công tâm và dân chủ.
Ba là, đổi mới quan điểm và thực hiện tốt việc bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt.
Việc bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt phải đúng tiêu chuẩn, phù hợp với sở trường; đề bạt cán bộ phải đúng lúc, đúng người, đúng việc. Kiên quyết thay đổi ngay những cán bộ kém về năng lực và phẩm chất, thiếu tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức, kỷ luật. Việc bố trí cán bộ chủ chốt phải góp phần kiện toàn bộ máy, bởi vì họ là khung, là nòng cốt của hệ thống. Bố trí cán bộ chủ chốt phải kết hợp với năng lực của từng người trong cả bộ máy ấy, để tạo nên sự liên kết, bổ sung cho nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả bộ máy. Luân chuyển cán bộ chủ chốt phải đảm bảo tính ổn định tương đối, để cán bộ ổn định công việc và có thời gian nghiên cứu sâu lĩnh vực mình phụ trách. Cần tạo thành nề nếp luân chuyển cán bộ chủ chốt trong bộ máy.
Để thực hiện tốt việc bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt, thì công tác cán bộ phải được thực hiện dân chủ, công khai. Kết hợp thăm dò ý kiến của cá nhân cán bộ được bố trí và ý kiến của tập thể cán bộ cơ quan, đơn vị mà cán bộ được bố trí công tác, trách áp đặt, gượng ép trong việc bố trí cán bộ.
Sau khi bố trí, phân công công tác cho cán bộ chủ chốt, phải luôn theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra công tác của cán bộ chủ chốt đó, nhất là những cán bộ chủ chốt mới được bố trí lần đầu. Nếu cán bộ có khuyết điểm, thì tổ chức, người lãnh đạo giúp đỡ họ sửa chữa ngay, để cán bộ yên tâm, tự tin trong công tác và công tác đạt hiệu quả cao.
Việc bố trí, sử dụng cán bộ không chỉ là vấn đề khoa học, mà còn là nghệ thuật - nghệ thuật nghiên cứu, sử dụng người. Việc bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt là vấn đề quyết định đến sự thành công hay thất bại của công việc.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác quản lý cán bộ chủ chốt.
Có quản lý tốt đội ngũ cán bộ chủ chốt, mới nắm được tình hình, đặc điểm của đội ngũ đó, từ đó đề ra phương châm, phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác cán bộ một cách đúng đắn, mới xây dựng được đội ngũ cán bộ chủ chốt vững mạnh.
Muốn vậy, phải giữ vững nguyên tắc, nội dung và phương pháp quản lý cán bộ theo đúng quy định phân cấp quản lý cán bộ, tăng cường sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và trách nhiệm quản lý của các tổ chức, đơn vị liên quan, trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cấp, các ban, ngành.
Để quản lý đội ngũ cán bộ chủ chốt cần phải nắm vững tình hình, phân tích mặt mạnh, mặt yếu, đặc điểm của cán bộ. Qua việc thực hiện nhiệm vụ được giao mà đánh giá phẩm chất, năng lực và phong cách lãnh đạo của cán bộ. Đồng thời, phải hiểu rõ quá trình phát triển và triển vọng của họ cùng các mối quan hệ gia đình, xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến họ.
Công tác xây dựng cán bộ chủ chốt phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cùng cấp và cấp trên. Họ là những người trực tiếp tiến hành các hoạt động trong công tác cán bộ. Vì vậy, phải đổi mới tổ chức, cách làm việc của cơ quan tổ chức cán bộ, cần phải khảo sát, phân tích, đánh giá đội ngũ cán bộ và công tác tổ chức cán bộ, kịp thời thay đổi những cán bộ quan liêu, trì trệ, bảo thủ, yếu kém năng lực trong công tác cán bộ, làm cho cơ quan này thực sự đắc lực, đáng tin cậy, làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Để thực hiện được điều này, cần phải quy hoạch, đào tạo lực lượng cán bộ làm công tác cán bộ; thường xuyên tổ chức việc kiểm tra, đánh giá công tác tổ chức cán bộ. Người làm công tác tổ chức cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng, có năng lực đề xuất cán bộ chính xác, có đức, có tài. Người làm công tác cán bộ phải có năng lực tư duy độc lập, có khả năng phân tích, tổng hợp, biết lắng nghe ý kiến người khác, có kỹ năng giao tiếp, quan hệ xã hội tốt, hiểu việc, hiểu người. Người làm công tác cán bộ phải có đức tính trung thực, công tâm, cởi mở, thận trọng, dân chủ, độ lượng, tác phong gần gũi với quần chúng.
Cần có kế hoạch thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ của người làm công tác cán bộ để thực hiện công tác này đúng theo một quy trình chặt chẽ, vận dụng khoa học tổ chức, khoa học quản lý vào công tác cán bộ, loại trừ những động cơ không lành mạnh trong công tác cán bộ.
3. Các lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình hoạt động của mình đều quan tâm đến vấn đề cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ chủ chốt, coi đó là công việc gốc của Đảng. Đảng CSVN luôn khẳng định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Cán bộ luôn gắn liền với vận mệnh của Đảng, của dân tộc và của chế độ. Do đó, công tác cán bộ là khâu then chốt. Thực tiễn hoạt động cách mạng của giai cấp công nhân toàn thế giới, cũng như của cách mạng Việt Nam cho thấy rằng, cán bộ và đường lối, nhiệm vụ chính trị luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đội ngũ cán bộ chủ chốt có vững vàng về chính trị, giỏi về công tác tổ chức và chuyên môn mới đề ra được đường lối, nhiệm vụ chính trị đúng đắn và phương pháp cách mạng khoa học để đưa đường lối chính trị của Đảng thành hiện thực. Ngược lại, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo là nhân tố cơ bản tạo thuận lợi cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi, năng động, sáng tạo. Ngày nay, khi cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, càng đòi hỏi phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đó vừa là nhiệm vụ cách mạng cấp thiết, vừa là đòi hỏi khách quan của cuộc sống, quyết định đến sự tồn vong của chế độ. Công tác này phải được coi là công tác trọng tâm trong suốt thời kỳ CNH, HĐN đất nước.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo – Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, Đại học Quốc gia Hà Nội.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!