TS. Đào Thị Bích Hồng
Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh
Nhân
loại đã bước vào thế kỷ XXI hơn một thập niên, nhưng đói nghèo vẫn là một thách
thức lớn, mang tính cấp bách toàn cầu. Ngay cả những nước có nền kinh tế phát
triển cao vẫn còn không ít những bộ phận dân cư sống dưới mức nghèo khổ. Đối với
mỗi quốc gia, đói nghèo là một cản trở lớn cho sự phát triển kinh tế, là nguyên
nhân chủ yếu dẫn đến sự bất ổn về chính trị - xã hội. Tình trạng đói nghèo
không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội. Vì thế, trong quá trình
phát triển, tất cả các quốc gia đều hết sức quan tâm giải quyết vấn đề đói
nghèo.
Ở Việt
Nam có khoảng 20 triệu người vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói, một bộ phận
không nhỏ cư dân ở vùng sâu, vùng xa đang hàng ngày, hàng giờ phải vật lộn với
cái đói, cái nghèo. Năm 2002, Việt Nam đứng thứ 109/173 quốc gia trên
thế giới về đói nghèo. Đây là một thách thức lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ
nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
1. Xoá đói, giảm nghèo là một nhiệm vụ quan
trọng thường xuyên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Trong
sự nghiệp đổi mới, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước, Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, nhằm thực
hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trong đó xoá đói giảm nghèo là một chính sách
hết sức quan trọng.
Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991) xác định xóa đói, giảm nghèo
là một trong những chương trình kinh tế xã hội vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản
lâu dài.
Nghị
quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (6-1993) xác định:
“Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo… Các vùng giàu,
vùng phát triển trước phải cùng Nhà nước giúp đỡ, lôi cuốn các vùng nghèo, vùng
phát triển sau để cùng vươn lên, nhất là những vùng đang có nhiều khó khăn,
nghèo hơn các vùng khác như vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
vùng căn cứ cách mạng trước đây” .
Đại hội
lần thứ VIII của Đảng (6-1996) nhấn mạnh, “cùng với quá trình đổi mới, tăng trưởng
kinh tế phải tiến hành công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội,
tránh sự phân hóa giàu nghèo quá giới hạn cho phép…”[1].
Thực
hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 29-11-1997 của Bộ chính trị về Lãnh đạo thực hiện
công tác xóa đói, giảm nghèo, chính sách xóa đói, giảm nghèo được các cấp bộ đảng,
chính quyền, đoàn thể triển khai mạnh mẽ ở hầu hết các tỉnh, huyện, nhất là những
vùng, những xã nghèo. Nhà nước đầu tư cho các Chương trình xóa đói, giảm nghèo
khoảng 21 nghìn tỷ đồng. Các cấp, các ngành, cơ quan đoàn thể triển khai nhiều
biện pháp cụ thể giúp đỡ cho các hộ nghèo từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên
trong cuộc sống.
Bên cạnh
những kết quả bước đầu đạt được trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo,
tình hình đói nghèo vẫn là vấn đề nóng bỏng đặt ra, cần tiếp tục tìm cách giải
quyết.
Việt Nam là nước
nông nghiệp, trình độ dân cư thấp, thụ động, dễ bị tổn thương trước biến động của
mỗi gia đình và xã hội. Nhiều hộ có mức thu nhập trên ngưỡng nghèo, có nguy cơ
tái nghèo. Đến năm 2001, cả nước có 2.800 nghìn hộ nghèo (chiếm 17,2% dân số).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (4-2001), tiếp tục xác định xóa đói, giảm
nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ mới. Trong Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 2001-2010, xóa đói, giảm nghèo được cụ thể hóa thông qua việc
xác định rõ hơn các biện pháp:
“Bằng
nguồn lực của Nhà nước và của toàn xã hội, tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng,
cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ,
giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm đối với người nghèo, xã nghèo và nhóm dân cư nghèo.
Chủ động di dời một bộ phận nông dân không có đất canh tác và điều kiện sản xuất
đến lập nghiệp ở những vùng còn tiềm năng. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi,
khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng và giúp đỡ người nghèo. Thực
hiện trợ cấp xã hội đối với người có hoàn cảnh đặc biệt không thể tự lao động,
không có người bảo trợ, nuôi dưỡng. Phấn đấu đến năm 2010 về cơ bản không còn hộ
nghèo. Thường xuyên củng cố thành quả xóa đói, giảm nghèo”[2].
Thực
hiện chiến lược trên, trong những năm 2001-2005, chương trình xóa đói, giảm
nghèo được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Thông qua việc trợ giúp điều kiện sản
xuất, tạo việc làm, cải thiện kết cấu hạ tầng, nhà ở; tạo cơ hội cho người
nghèo tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản, động viên các ngành, các cấp, các
đoàn thể quần chúng và các tầng lớp dân cư tham gia…, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống
còn 7% (năm 2005) (kế hoạch 10%, theo chuẩn Việt Nam)[3].
Nghị
quyết Đại hội X của Đảng (4-2001) chỉ rõ: "Trong điều kiện xây dựng nền
kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, phải luôn coi trọng yêu cầu
nâng cao các phúc lợi xã hội cơ bản của nhân dân, đặc biệt là đối với người
nghèo, vùng nghèo, các đối tượng chính sách....”. Để đảm bảo hiệu quả thực hiện
xóa đói, giảm nghèo, Đại hội X khẳng định: “Đa dạng hóa các nguồn lực và phương
thức thực hiện xóa đói, giảm nghèo theo hướng phát huy cao độ nội lực và kết hợp
sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của quốc tế. Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và trợ giúp về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến
thức để người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo tự vươn lên thoát nghèo và cải thiện
mức sống một cách bền vững, kết hợp chính sách của Nhà nước với sự trợ giúp trực
tiếp và có hiệu quả của toàn xã hội, của những người khá giả cho người nghèo, hộ
nghèo, nhất là đối với những vùng đặc biệt khó khăn. Ngăn chặn tình trạng tái
nghèo”[4].
Nghị
quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định: “Thực hiện có
hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hóa nguồn
lực và phương thức để đảm bảo giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo
nhất và các vùng đặc biệt khó khăn. Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, tăng
nhanh số hộ có thu nhập trung bình khá trở lên. Có chính sách và các giải pháp
phù hợp nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, giảm chênh lệch mức sống giữa nông
thôn và thành thị”[5].
Những
quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói, giảm nghèo là cơ sở, nền tảng để các
cấp chính quyền Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, triển khai thực hiện chính
sách xóa đói, giảm nghèo một cách sâu rộng.
Quan
điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo tập trung ở những nội dung cơ bản
sau đây:
Một là, xóa đói, giảm nghèo phải dựa trên cơ
sở tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững, tạo nguồn lực trợ giúp cho
người nghèo.
Hai là, xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ của Đảng,
Nhà nước và toàn thể nhân dân, mà trước hết là của chính người nghèo.
Ba là, Phải triển khai có hiệu quả các chương
trình, dự án xóa đói, giảm nghèo bằng các nguồn lực trong và ngoài nước.
Bốn là, việc hỗ trợ và cho vay vốn phải gắn với
đào tạo, hướng dẫn và phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng, từng
vùng.
Năm là, phải luôn quan tâm đến vấn đề tái
nghèo trong nhân dân.
Tháng
9-2000, tại Hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Trần
Đức Lương đã cam kết thực hiện “Mục tiêu Thiên niên kỷ” do Liên hiệp quốc khởi
xướng, trong đó có mục tiêu giảm một nửa số người nghèo vào năm 2015. Với việc
ký tuyên bố “Mục tiêu Thiên niên kỷ”, Đảng và Nhà nước Việt Nam thể hiện sự cam
kết mạnh mẽ trong việc cải thiện hơn nữa phúc lợi của nhân dân, trong đó đặc biệt
chú ý đến người nghèo.
Bước
vào thế kỷ XXI, Chính phủ Việt Nam
càng quyết tâm cao hơn trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Tháng
5-2001, Thủ tướng Chính phủ thông qua “Chiến lược toàn diện tăng trưởng và giảm
nghèo”, trong đó xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội được xác định là một phần
quan trọng trong chiến lược.
Tháng
10-2002, Ngân hàng Chính sách được thành lập. Đó là một bước cải cách quan trọng
nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, góp phần nâng cao hiệu
quả thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Tháng
9-2004, Chỉ thị 33/2004/CT-TTg về Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội
(2006-2010) xác định: “Đảm bảo xóa đói, giảm nghèo nhanh số hộ nghèo theo Chuẩn
quốc tế, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, phát triển mạng lưới an sinh xã
hội để trợ giúp người nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng bền vững”…
Những
chủ trương, chính sách xoá đói, giảm nghèo của Đảng và Chính phủ Việt Nam thể
hiện sự quan tâm thường xuyên với quyết tâm cao thực hiện sự công bằng xã hội
ngay trong quá trình phát triển kinh tế.
2. Những
nỗ lực của nhân dân Việt Nam trên mặt trận chống đói, nghèo
Xóa
đói, giảm nghèo là cuộc đấu tranh rất gay go, chỉ có thể thành công khi có sự
lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng với hành động cụ thể của toàn dân.
Xóa đói, giảm nghèo cũng là phát triển vốn nhân lực của người nghèo, tạo môi trường
và điều kiện thuận lợi cho người nghèo có cơ hợi phát triển, vươn lên ấm no,
tháo gỡ một mắc xích quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững.
Thanh
niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp
đổi mới có thành công hay không, đất nước Việt Nam trong thế kỷ XXI có vị trí xứng
đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước tiến
lên theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng
thanh niên. Vì vậy, xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ lớn mà
thanh niên là lực lượng đi đầu.
Thực
hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong xóa đói, giảm nghèo, tùy tình hình thực
tế, ở mỗi địa phương, thanh niên lại có cách làm khác nhau trong thực hiện mục
tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Tỉnh Lạng
Sơn với gần 140.000 thanh niên, trong đó thanh niên nông thôn chiếm khoảng 80%,
khi hết mùa vụ, tỷ lệ thiếu việc làm ngày càng cao. Vấn đề giải quyết việc làm,
xóa đói giảm nghèo trở thành vấn đề quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu
quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện Chương trình hỗ trợ vốn cho
thanh niên nghèo, trong những năm 2006-2010, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo đẩy
mạnh công tác chuyển giao các tổ tiết kiệm và vay vốn cho thanh niên quản lý,
tăng số dư nợ trong tổ chức Đoàn của tỉnh lên mức 122 tỷ đồng, với 323 tổ tiết
kiệm và vay vốn, 7.774 hộ được vay. Ngoài Chương trình hỗ trợ vốn cho thanh
niên nghèo, còn có các hoạt động thiết thực khác trong xóa đói giảm nghèo như
hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên, tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học
kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Các nguồn vốn
vay được sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, giúp thanh niên và gia đình từng
bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 2010, tỉnh Lạng Sơn có trên
130 hộ thanh niên làm kinh tế giỏi, với các mô hình như VAC, VACR, trang trại
chăn nuôi, trồng các loại cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ... Hầu hết các mô hình
có mức thu nhập khoảng 40-100 triệu đồng/năm. Điển hình như Nguyễn Văn Sáng (thị
trấn Văn Quan), với mô hình vườn ươm, thông, keo thu nhập trên 80 triệu đồng/năm,
giải quyết việc làm cho hang chục lao động; Phùng Văn Tiến (xã Hòa Sơn, huyện Hữu
Lũng) với mô hình VACR thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, thu hút 7 lao động; anh
Hoàng Văn Khánh, xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng với mô hình chăn nuôi, kết hợp
kinh doanh dịch vụ vận tải, thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm[6]...
Với đề
án "Phát huy vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội,
đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 -
2010", Tỉnh Đoàn Bắc Giang đã phát động phong trào Thanh niên nông thôn
tìm hướng xóa nghèo, vượt khó, làm giàu, động viên đông đảo thanh niên tích cực
tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng
tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đoàn thanh niên đã phối hợp các
ngành trong tỉnh tổ chức 525 mô hình trình diễn trong nông nghiệp, thu hút
12.600 thanh niên nông thôn tham gia; 39 nghìn đoàn viên thanh niên được tập huấn
khoa học- kỹ thật; duy trì 115 câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm; triển khai
có hiệu quả nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền hơn 50 tỷ đồng,
qua đó đã giải quyết việc làm cho gần 15 nghìn đoàn viên thanh niên nông thôn.
Các cơ sở Đoàn đã vận động đoàn viên thanh niên tự giúp nhau về giống, vốn trị
giá 6,4 tỷ đồng, hỗ trợ sản xuất cho hơn 5.300 đoàn viên thanh niên; phối hợp
tư vấn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hơn 20 nghìn đoàn viên thanh
niên…
Thực
hiện cuộc vận động "Thanh niên Bắc Giang làm kinh tế giỏi, tích cực tham
gia xóa đói, giảm nghèo", năm 2009, toàn tỉnh Bắc Giang có 450 hợp tác xã,
tổ hợp tác kinh tế, chi hội nghề nghiệp của thanh niên; 148 trang trại trẻ với
hơn 7.000 thanh niên tham gia; xuất hiện nhiều tấm gương tiên tiến có mô hình
phát triển kinh tế hiệu quả, thu hút nhiều thanh niên nông thôn học tập, làm
theo, góp phần khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên nông
thôn trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo[7].
Huyện
Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ có 22.167 đoàn viên thanh niên. Phát huy vai trò, sức mạnh của thanh niên
trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo,
Huyện Đoàn đã triển khai các phong trào thanh niên “Năm xung kích phát triển
kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân,
lập nghiệp”.
Các
phong trào thanh niên nông thôn xóa đói, giảm nghèo phát triển mạnh mẽ, với các
hình thức hoạt động phong phú như xây dựng được câu lạc bộ kinh tế, làng thanh
niên phát triển kinh tế. Các mô hình này đã phát huy được tinh thần trợ giúp lẫn
nhau thông qua các hoạt động cho vay vốn, giống và trao đổi kinh nghiệm sản xuất,
kinh doanh giữa các đoàn viên. Các dự án tư vấn, hỗ trợ thanh niên nghèo phát
triển kinh tế của Trung ương Đoàn và các nguồn vốn các từ Trung ương tới địa
phương được thanh niên sử dụng có hiệu quả. Nắm bắt được nhu cầu của thanh
niên, Huyện Đoàn Hạ Hòa đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn,
ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông lâm nghiệp, chăn nuôi
cho thanh niên nông thôn. Năm 2010, Huyện Đoàn mở 14 lớp chuyển giao khoa học -
kỹ thuật nông nghiệp cho 564 lượt thanh niên; duy trì và nhân rộng các mô hình
thanh niên điển hình trong phát triển kinh tế. Nhờ vai trò xung kích, vượt khó
của thanh niên, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của thanh niên cho thu nhập
từ 50-200 triệu đồng/năm như mô hình nuôi thuỷ sản của Nguyễn Viết Long (xã Lệnh
Khanh), mô hình sản xuất kinh doanh đồ gỗ của Quách Đức Ngọc (xã Ấm Hạ), cho
thu nhập 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong xã. Mô
hình bóc gỗ xuất khẩu của Nguyễn Đức Dũng (xã Ấm Hạ) cho thu nhập 200 triệu đồng/năm,
tạo việc làm cho hơn 50 thanh niên, với thu nhập từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng/tháng;
mô hình nuôi nhím, nuôi ba ba của Nguyễn Ngọc Thạch (xã Minh Côi) cho thu nhập
khoảng 100 triệu đồng/năm… Những mô hình kinh tế kể trên đã tích cực giúp cho
nhiều thanh niên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên khá, giàu.
Ngoài các nguồn vốn được vay ưu đãi, các cấp bộ Đoàn còn tự góp vốn giúp nhau lập
nghiệp với số tiền lên tới 80,5 triệu đồng, cùng với số vốn 30,7 tỷ đồng vay của
Ngân hàng chính sách xã hội huyện, hỗ trợ cho thanh niên học tập, phát triển
kinh tế , tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn có cơ hội thoát nghèo[8].
Tỉnh Bạc
Liêu, với tổng số 294.000 thanh niên (năm 2002), trong đó thanh niên nông thôn
là 188.454 người (chiếm 64,1%). Thực hiện Chương trình thanh niên tham gia phát
triển kinh tế, xã hội giúp nhau lập nghiệp và phát triển nông thôn, trong những
năm 2002-2007, các cấp bộ Đoàn tỉnh Bạc Liêu phối hợp với trung tâm khuyến
nông, khuyến ngư tổ chức 1.019 lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật cho 73.910 lượt
đoàn viên, thanh niên; xây dựng được 403 điểm hình trình diễn kỹ thuật về cánh
đồng thanh niên nhân giống lúa mới; đóng góp xây dựng được 8,5 tỷ đồng quỹ giúp
nhau lập nghiệp, giúp cho 7.517 thanh niên có vốn sản xuất; vận động thanh niên
tự giúp nhau trên 500.000 ngày công lao động, giúp nhau về kỹ thuật, cây, con
giống… Những hoạt động trên tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn Bạc Liêu từng
bước thoát khỏi cảnh nghèo túng, vươn lên khá, giàu. Lâm Văn Linh, Bí thư chi
đoàn ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, năm 2004 có thu nhập gần 1 tỷ đồng;
đoàn viên thanh niên Liên Chí Cao từ nghèo vươn lên thành một doanh nhân trẻ của
thị xã Bạc Liêu, mỗi năm thu nhập hơn 600 triệu đồng; Huỳnh Thanh Du, Đặng Hùng
Tịnh (huyện Vĩnh Lợi) là những thanh niên sản xuất giỏi… Những nỗ lực của thanh
niên nông thôn đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở Bạc Liêu. Trong những
năm 1997-2005, số hộ nghèo ở Bạc Liêu giảm từ 28% năm 1997 xuống còn 5% vào năm
2005 (theo chuẩn nghèo cũ), trung bình mỗi năm, giảm được hơn 5.000 hộ nghèo[9].
Thanh
niên nông thôn tỉnh Bình Phước lại thực hiện xóa đói, giảm nghèo theo cách của
riêng mình. Để góp phần hỗ trợ về vốn, thị trường, kỹ thuật sản xuất, kinh
doanh và việc làm, Tỉnh đoàn Bình Phước đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các
phương tiện thông tin đại chúng về nghề nghiệp và việc làm. Nhiều chuyên mục,
bài viết, các thông tin tuyển dụng, đào tạo nghề được đăng tải trên các trang
thông tin của Đoàn thanh niên các cấp. Đoàn thanh niên đã phối hợp với các cơ
quan hữu trách tổ chức 68 ngày hội tư vấn vay vốn, nghề nghiệp, việc làm và xuất
khẩu lao động; tổ chức các sàn giao dịch việc làm; mở các lớp đào tạo “Khởi sự
doanh nghiệp”; các dự án xóa đói giảm nghèo... Trong 5 năm (2004-2009), bằng việc
cung cấp thông tin đa chiều, cơ sở đoàn các cấp đã giới thiệu và giải quyết việc
làm cho 98.671 thanh niên, trong đó có 6.892 thanh niên là bộ đội xuất ngũ về địa
phương, thanh niên tái hòa nhập cộng đồng. 14 cơ sở dạy nghề thường xuyên tổ chức
mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn và đã tổ chức được 312 lớp cho 19.287
lượt thanh niên theo học; có 102 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật
được tổ chức cho 5.300 lượt thanh niên; 42 điểm trình diễn về giống vật nuôi -
cây trồng, thu hút khoảng 10.000 lượt thanh niên và nhân dân tham quan; tổ chức
một lớp tập huấn xây dựng mô hình hợp tác xã cho 65 cán bộ đoàn cơ sở; duy trì
87 câu lạc bộ khuyến nông, với 913 đoàn viên thanh niên tham gia. Các mô hình
nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi heo rừng, nhím, cá lóc, trồng tiêu sạch, măng
tây, chanh dây... mang lại nguồn thu nhập không nhỏ. Mô hình trang trại trẻ
cũng góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Toàn tỉnh có 250 chủ trang trại trẻ thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, giải
quyết việc làm cho trên 5.000 lao động tại địa phương[10].
Thông qua các phong trào “Thanh niên nông thôn chuyển giao khoa học - kỹ thuật
giỏi”, “Thanh niên nông thôn sản xuất - kinh doanh giỏi”, “Thanh niên ứng dụng
chuyển giao khoa học - kỹ thuật giỏi”... ngày càng xuất hiện nhiều điển hình
thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu một cách chính đáng và
giúp một bộ phận thanh niên nông thôn thoát nghèo.
Dưới sự
lãnh đạo của Đảng, sự đồng tâm của toàn dân, việc thực hiện chính sách xóa đói,
giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có liên quan chặt chẽ đến
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh chuyển
dịch cơ cấu kinh tế.
Trong
10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000,
cơ cấu kinh tế Việt Nam có sự dịch chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các
ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của nông nghiệp. Trong GDP, tỷ
trọng nông nghiệp giảm từ 38,7% (1991) xuống 24,3% (năm 2000), công nghiệp và
xây dựng từ 22,7% tăng lên 36,6%, dịch vụ từ 38,6% tăng lên 39,1%. Tỷ lệ hộ
nghèo giảm từ trên 30% xuống 10%[11].
Những
năm 2001-2010, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hoá, hiện
đại hoá tiếp tục diễn ra nhanh hơn. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP
tăng từ 36,7% (năm 2000) lên 41,5% (năm 2007). Tỷ trong nông, lâm nghiệp và thuỷ
sản tiếp tục giảm, từ 24,5% (năm 2000) xuống còn 19,9% (năm 2010). Cơ cấu lao động
có sự chuyển đổi tích cực. Từ năm 2000 đến năm 2010, tỷ trọng lao động trong
các ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 12,1% (năm 2000) lên 23% (năm 2010),
lao động nông nghiệp giảm từ 65,1% (năm 2000) xuống còn 50% (năm 2010). Tỷ lệ hộ
nghèo còn 10% (theo chuẩn mới)[12].
3. Nguy cơ tái nghèo - thử thách vẫn còn ở
phía trước
Nhìn lại
10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, 20 năm thực
hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
(1991), Trung ương Đảng thẳng thắn chỉ rõ: “Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất
là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Xóa đói, giảm nghèo chưa bền
vững, tình trạng tái nghèo cao”[13].
Theo Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội, chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn
2011-2015 như sau: thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống
(khu vực nông thôn), từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống (khu vực thành thị).
Như vậy, mức chuẩn nghèo mới cao gần gấp đôi mức chuẩn nghèo của những năm 2010
trở về trước. Khi chuẩn mới được áp dụng, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam dự
tính khoảng 20%.
Với mức
chuẩn nghèo mới, những người vừa mới thoát nghèo, và những người cận nghèo, nếu
gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh, thiếu tư liệu sản xuất, việc làm không
thường xuyên, thu nhập bấp bênh… rất dễ tái nghèo, do nhiều nguyên nhân khác
nhau.
Thứ nhất, sự bất lợi của thời tiết, thiên tai,
lũ lụt, làm mất mùa mang, tài sản, tạo ra sự nghèo đói trên diện rộng, làm cho
nhiều thanh niên, cho dù đã có nhiều nỗ lực, vất vả thoát nghèo, nhưng vẫn dễ
dàng quay về với cảnh nghèo túng.
Thứ hai, chi chi phí đầu vào cho sản xuất nông
nghiệp quá cao, trong khi đầu ra rất nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh, thời tiết
diễn biến bất thường, dễ làm cho những “nông dân trẻ” nản lòng. Một số nông dân
không còn mặn mà với đồng ruộng; không xem nông nghiệp là nghề nữa. Chính vì thế,
để thoát cảnh đói nghèo, họ đã chọn giải pháp “ly hương”. Song trong thực tế, nơi đô thị giá cả sinh hoạt
lại cao, việc làm và thu nhập bấp bênh, chi phí nhiều, dễ bị tổn thương… “Ly
hương” không giúp người nông dân thoát nghèo.
Thứ ba, do thiếu vốn trong sản xuất. Đây là
nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đói nghèo. Thiếu vốn nên nông dân khó có
khả năng hướng tới sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế
cao. Việc vay vốn cũng không dễ dàng, do thời hạn sản xuất nông nghiệp đòi hỏi
thời gian dài mới thu được vốn, và cũng có thể bị mất do thất bát. Vì thế, những
nông dân nghèo thường chọn phương án sản xuất tự cung, tự cấp, với các phương
thức sản xuất truyền thống, giá trị kinh tế thấp, nên giá trị sản phẩm và năng
suất các loại cây trồng, vật nuôi đều thiếu tính cạnh tranh trên thị trường,
đưa họ vào vòng luẩn quẩn của sự nghèo khó.
Trong
các chủ trương xóa đói, giảm nghèo, Đảng và Nhà nước luôn có những chính sách hỗ
trợ vốn cho những hộ nghèo trong sản xuất, song để tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ,
là một khó khăn lớn đối với người dân nông thôn. Trên thực tế, nông dân nghèo
nên thường không thể có tài sản thế chấp, phải dựa vào tín chấp với các khoản
vay nhỏ, hạn chế trong sản xuất, kinh doanh, hiệu quả thấp, giảm khả năng hoàn
trả vốn. Mặt khác, đa số nông dân nghèo trình độ thấp, không có kế hoạch sản xuất
cụ thể hoặc sử dụng vốn vay không đúng mục đích, nên khó có điều kiện tiếp cận
với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng.
Thứ tư, quá trình tiến hành công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, tất yếu gắn liền với đô thị hoá. Tốc độ đô thị hóa ngày càng gia
tăng, không gian đô thị ngày càng mở rộng, do các khu công nghiệp và hệ thống
đường giao thông được xây dựng nhiều hơn. Diện tích đất canh tác nông nghiệp bị
thu hẹp dần, dẫn tới một bộ phận không nhỏ nông dân rơi vào cảnh thiếu đất, hoặc
không có đất sản xuất, phải chuyển đổi nghề nghiệp. Nhưng trên thực tế không phải
người nào cũng có khả năng tìm việc làm mới hặc thay đổi cách thức sản xuất,
tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất canh tác nhờ áp dụng tiến bộ khoa
học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao...
Do đó, một bộ phận nông dân từ lâu đã gắn với sản xuất nông nghiệp bị đẩy vào cảnh
khốn khổ vì thiếu nguồn lực sản xuất. Một số người khác sau khi nhận được số tiền
đền bù từ mảnh ruộng của mình trong các dự án quy hoạch không biết sử dụng hoặc
sử dụng không hiệu quả dẫn đến hệ quả là tái nghèo.
Thứ năm, do trình độ học vấn. Một bộ phận
không nhỏ nông dân thiếu kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, khả năng tìm việc
làm khó khăn, là nguyên nhân quan trọng đẩy họ vào cảnh tái nghèo.
Cuộc
chiến đấu chống đói nghèo hoàn toàn không phải là một cuộc hành trình phẳng lặng,
mà còn đầy cam go, thoát nghèo và tái nghèo như một cái vòng luẩn quẩn, đòi hỏi
những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội.
Để cụ
thể hóa hơn định hướng của Đảng, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu cần đạt được
trong giảm nghèo từ 2011 đến 2020: Giảm nghèo bền vững là một trong những trọng
tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 nhằm cải
thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết ở khu vực
miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện
ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn,
giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Cụ thể cần đạt được: Thu nhập của
hộ nghèo tăng lên 3,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, riêng các huyện
nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn; Điều kiện sống của
người nghèo được cải thiện rõ rệt, trước hết là vấn đề y tế, giáo dục, văn hóa,
nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ
xã hội cơ bản; Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo; xã nghèo,
thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông
thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước sinh hoạt[14].
Để thực
hiện được các mục tiêu trên, trong giai đọan 2011-2015 tiếp tục thực hiện:
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 giai đoạn 3, Nghị
quyết 30a của chính phủ và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác. Nguồn
lực đề thực hiện công tác giảm nghèo được huy động tối đa, không chỉ bằng Ngân
sách Nhà nước mà còn huy động sự tham gia với tinh thần trách nhiệm cao của các
tập đoàn kinh tế, các Tổng Công ty nhà nước, Ngân hàng thương mại… và đặc biệt
là từ chính bản thân người nghèo. Phối hợp nhiều phương thức hỗ trợ người nghèo
như hỗ trợ người nghèo trong vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về
cung cấp và tạo điều kiện duy trì với các loại dịch vụ, hỗ trợ giao đất, giao rừng;
về đào tạo nguồn nhân lực…
Với những
giải pháp đồng bộ và có tính khả thi, phù hợp với những điều kiện cụ thể của mỗi
địa phương, toàn Đảng, toàn dân Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu xoá đói, giảm
nghèo, nhằm đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, trong điều kiện
xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 35.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 211-212.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 157.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 217.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 124-125.
[7] Ba
Nhân: Thanh niên nông thôn xung kích làm
giàu, http://www.tinhdoanbg.gov.vn,
11-2009.
[9] Tỉnh ủy Bạc Liêu:
Nghị quyết số 01- NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu về công tác giảm nghèo từ nay đến năm 2010, 3-2006.
[10] Chiến lược phát triển thanh niên Bình Phước, http//binhphuoc.org.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2001, tr. 149-151.
[12] Ban Tuyên giáo Trung
ương: Tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu các văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốclần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.
20, 32.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2011, tr. 168.
[14] Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội: Hội nghị triển khai nhiệm vụ
công tác năm 2011, Nxb. Lao động – Xã hội, tr. 59.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!