Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

NHỮNG THÁCH THỨC GAY GẮT ĐỐI VỚI VIỆT NAM SAU CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU


GS.TS. Đỗ Thế Tùng
Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi đầu ở nước Mỹ từ giữa năm 2007, đạt đỉnh điểm vào tháng 10 năm 2008, và ảnh hưởng đến hầu hết mọi nước với những mức độ khác nhau. Cuộc khủng hoảng này cũng gây cho nước ta nhiều khó khăn, nhưng hậu quả chưa đến mức trầm trọng. Song dự báo: sau khi thế giới thoát khỏi khủng hoảng, sẽ có nhiều thách thức gay gắt đặt ra cho Việt Nam.
          C.Mác đã từng chỉ rõ: khủng hoảng tuy có sức phá hoại lớn nhưng lại là khởi điểm cho một chu kỳ phát triển mới cao hơn, vì người ta sẽ đổi mới tư bản cố định, đổi mới công nghệ, tái cấu trúc cơ cấu kinh tế vv…
          Joseph Schumpeter, một nhà kinh tế học tại Đại học Havard (Mỹ) gọi khủng hoảng chu kỳ là "một sự phá hủy sáng tạo", sau mỗi cuộc khủng hoảng lớn đều có bước phát triển đột phá của lực lượng sản xuất thế giới, đồng thời xuất hiện những thể chế kinh tế mới.
          Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta cũng đã dự báo: "Sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới… Quá trình tái cấu trúc các nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu sẽ diễn ra mạnh mẽ, gắn với những bước tiến mới về khoa học, công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên…"[1].
          Trong bối cảnh ấy Việt Nam "phải tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ với chất lượng và hiệu quả cao hơn; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức…", phải "Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững".
          Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững…
          Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ công nghệ cao và các giải pháp đổi mới công nghệ, chế tạo sản phẩm mới… tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả vào những khâu, công đoạn có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao trong mạng sản xuất và phân phối toàn cầu[2].
          Nước ta thực hiện chủ trương trên trong tình hình đầy dẫy khó khăn, như nhận định của Đại hội ĐBTQ lần thứ XI: Kinh tế phát triển chưa bền vững. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc… Các lĩnh vực văn hóa xã hội có một số mặt yếu kém, nhất là giáo dục, đào tạo và y tế; đạo đức lối sống trong một bộ phận xã hội xuống cấp. Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng, tài nguyên, đất đai chưa được quản lý tốt, khai thác và sử dụng kém hiệu quả…
          Quản lý Nhà nước còn nhiều yếu kém; tổ chức bộ máy cồng kềnh, một bộ phận cán bộ, công chức yếu cả về năng lực và phẩm chất, tổ chức thực hiện kém hiệu quả… quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi [3].
          Những yếu kém nói trên là những thách thức mà nếu không vượt qua được thì nước ta sẽ lâm vào nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước cả về kinh tế và công nghệ. Dưới đây sẽ phân tích một số thách thức gay gắt nhất:
          Một là, nguồn nhân lực ở Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu của công nghiệp hóa và hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, do chưa thực hiện đúng chủ trương coi phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu.
          Hiện nay, những người lao động trong độ tuổi có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nước ta chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ có 13,3%, trong đó trình độ từ Cao đẳng, đại học trở lên  mới đạt 6%.[4]
             Khoa học - công nghệ chưa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ nhóm ngành công nghệ cao của Việt Nam mới đạt khoảng 20%, trong khi Singapore là 73%, Malayxia là 52% và Thái Lan là 31%. Năm 2012 tổ chức Sở hữu Trí tuệ Toàn cầu (WIPO) xếp hạng 141 nước theo chỉ số sáng tạo toàn cầu, trong đó Việt Nam đứng dưới mức trung bình; Singapore đứng thứ ba (Năm 2011 Singapore được xếp thứ nhất).
          Theo số liệu thống kê, năm 1987 ở nước ta một giảng viên đại học, cao đẳng đào tạo bình quân 6,6 sinh viên; đến 2009 con số trên là 28 sinh viên. Sau 22 năm số sinh viên tăng 13 lần, mà số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Người ta thường quen miệng nói ở Việt Nam "thừa thầy thiếu thợ", thực ra thiếu cả thợ và thiếu cả thày, nhất là thiếu thầy giỏi.
          Đại hội XI đặt chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 450 sinh viên trên một vạn dân (năm 2010 chỉ tiêu này là 200) và số người lao động qua đào tạo là 70%, trong đó đào tạo nghề đạt 55% tổng số lao động xã hội. Nhưng đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, yếu về chất lượng thì làm cách nào thực hiện được chỉ tiêu trên? Đó là chưa kể cơ cấu đào tạo ở nước ta chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến hậu quả là nhiều học viên tốt nghiệp rồi không tìm được việc làm hoặc phải làm những việc không theo đúng ngành nghề đã được đào tạo.
          Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức đòi hỏi không chỉ áp dụng hệ thống công nghệ cổ điển (cơ khí hóa, điện khí hóa, hóa học hóa…) mà còn phải tranh thủ ứng dụng cả hệ thống công nghệ mới (công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa…) trong những lĩnh vực có điều kiện đi trước, đón đầu. Không có đủ nhân lực cần thiết đáp ứng yêu cầu của hai hệ thống công nghệ thì chủ trương đúng nói trên không thành hiện thực được.
          Trong chương trình tọa đàm khoa học của Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, tối 1/9/2012, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ của nước ta cho biết mỗi năm hoạt động khoa học - công nghệ được chi 2% ngân sách nhà nước (ước lượng khoảng 450 triệu USA), trong đó 43% do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp thẳng cho các tỉnh, thành phố; 57% thuộc Bộ KH&CN thì tiền lương và các chi phí hành chính chiếm 47%, chỉ có 10% giành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ.
          Còn đầu tư tư nhân cho R&D chưa đáng kể. Trong khi đó năm 1981 Hàn Quốc chi cho R&D từ ngân sách Nhà nước là 293 triệu USD (bằng 0,64% GDP) đến năm 1991 tăng lên 4.160,6 triệu USD (chiếm 2,01% GDP). Mặt khác, lại khuyến khích tư nhân đầu tư cho R&D. Nguồn vốn này năm 1970 chỉ chiếm 30%, đến 1990 đã tăng lên 80%.
          Hàn Quốc còn coi trọng việc nhập khẩu công nghệ, thích nghi với tình hình thực tiễn trong nước, cải tiến và sáng tạo công nghệ mới. Thí dụ thời kỳ 1977 - 1981 giá trị nhập khẩu công nghệ là 451,1 triệu USD, đến thời kỳ 1987 - 1990 đã đạt 3.472,3 triệu USD.
          Vì coi trọng giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ, nên Hàn Quốc đã hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân trong 30 năm (từ 1962 - 1991) và đến năm 1996 đã trở thành thành viên OECD. Như vậy là sau 35 năm Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu đã trở thành một nước công nghiệp phát triển cao: GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 1961 là 82 USD, năm 1989 là 4.830 USD, năm 1995 là 10.000 USD và năm 2008 đã lên 25.000 USD. Còn ở nước ta, nếu tính từ 1975, sau khi thống nhất đất nước đến 2010, trải qua 35 năm GDP bình quân đầu người mới đạt 1.168 USD; nếu thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội 2011 - 2020 thì đến năm 2020 cũng chỉ đạt 3000 USD. Nghĩa là sau 45 năm mới trở thành nước phát triển trung bình.
          Hai là, nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh là một nguy cơ tiềm ẩn làm mất ổn định kinh tế - xã hội.
          Các số liệu thống kê của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho thấy: tổng số nợ công của nước ta trong các năm 2009, 2010, 2011 lần lượt là: 52,6%; 57,3% và 58,7% GDP. Trong đó nợ nước ngoài tương ứng là 39%, 42,2% và 41,5%. Dự kiến năm 2012 Việt Nam phải trả nợ nước ngoài cả gốc lẫn lãi là 1,33 tỷ USD; năm 2013 sẽ là 1,492 tỷ USD.
          Các khoản nợ công trong nước với lãi suất cao và kỳ hạn ngắn đang gây sức ép lớn đối với việc đảo nợ. Ước tính trong giai đoạn 2012 - 2014 mỗi năm cần phát hành khoảng 100 - 120 ngàn tỷ đồng trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh, tương đương với 15% tổng thu ngân sách, chỉ để trả nợ gốc và lãi trong nước.
          Theo lý thuyết thì tỷ lệ nợ công chiếm khoảng 60% GDP vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Nhưng trên thực tế, mức an toàn của nợ công phụ thuộc vào tình trạng mạnh hay yếu của nền kinh tế. Năm 1981 Vênêzuêla có tỷ lệ nợ công chỉ là 15% GDP mà lâm vào khủng hoảng. Trong thời điểm hiện nay ở nước ta an ninh tài chính chưa thực vững vàng, bội chi ngân sách còn cao, nhập siêu vẫn lớn, dự trữ ngoại tệ chưa nhiều, hiệu quả đầu tư thấp… thì cần phải hết sức thận trọng trong xử lý nợ công.
          Ba là, cơ cấu kinh tế quốc dân còn nhiều điểm chưa hợp lý, công nghiệp chế tạo, chế biến và kết cấu hạ tầng phát triển chậm, gia công lắp ráp chiếm tỷ trọng cao. Thí dụ: 70% phụ liệu cho ngành may mặc phải nhập khẩu. Đến cuối năm 2009 hãng Toyota mới nội địa hóa được 7% giá trị của mỗi chiếc xe ô tô so với tỷ lệ cam kết trong giấy phép đầu tư là 30% sau 10 năm; hãng Suzuki nội địa hóa 3% so với cam kết trong giấy phép là 38,2% vào năm 2006.
          Phần lớn các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ thấp; dịch vụ phát triển chậm; nông nghiệp vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ, phân tán. Kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sự lạc hậu của giao thông vận tải đã hạ thấp sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới; 90% vận tải bằng container hiện nay nước ta phải thuê của nước ngoài… Gần 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước mà đường sắt Bắc - Nam vẫn là khổ 1,1m, với tốc độ trung bình 50km/giờ.
          Bốn là, hệ thống tiền tệ - tín dụng ở nước ta chưa lành mạnh, hậu quả của lạm phát cao vẫn chưa được khắc phục và vẫn có nguy cơ tái lạm phát.
          - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khi trả lời chất vấn của UB Thường vụ Quốc hội ngày 21/8/2012 đã nói: "Chúng ta thừa ngân hàng yếu kém nhưng lại thiếu dịch vụ ngân hàng tốt". Tuy lãi suất cho vay đã giảm từ 24-25%/năm xuống 13-15%/năm, nhưng vẫn có hàng ngàn doanh nghiệp không thể tiếp cận được tín dụng ngân hàng và buộc phải đình chỉ hoạt động hoặc phá sản.
          Nợ xấu của ngân hàng đã tới mức báo động. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thì số lượng nợ xấu chỉ là 117.700 tỷ (chiếm 4,47% dư nợ). Nhưng Thanh tra NHNN lại công bố số liệu gấp hai lần, tới 202.000 tỷ đồng (bằng 8,6% dư nợ). Con số thực tế có lẽ cao hơn, và theo các tổ chức tín dụng quốc tế, có thể lên tới 13%.
          Khi NHNN thanh tra đã phát hiện có tổ chức tín dụng nợ xấu lên tới 30%, thậm chí 60%, có ngân hàng hết cả vốn tự có và vốn điều lệ. Cuối năm 2011 có 12 tổ chức tín dụng bên bờ vực phá sản, nhiều tổ chức được coi là mạnh cũng bấp bênh. NHNN đã hỗ trợ thanh khoản cho 6 tổ chức, giúp các tổ chức này không bị đổ vỡ. Đến nay tuy các tổ chức này đã hoàn trả đầy đủ cho NHNN, nhưng tình hình trên vẫn đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng tái cấu trúc hệ thống tín dụng - ngân hàng để ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
          Còn có thể kể ra những thách thức khác nữa, như quản lý Nhà nước yếu kém, chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển một số ngành, nhất là quy hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản thấp gây lãng phí, thất thoát lớn. Tổ chức bộ máy nhà nước cồng kềnh, quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Hay là những năm qua ở nước ta tỷ lệ tiết kiệm chỉ vào khoảng 40% GDP, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP lại cao hơn mức tiết kiệm, phải dựa vào vay nợ, nhân tố vốn chiếm tới 57% mức tăng trưởng kinh tế, song hiệu quả đầu tư thấp. Hệ số ICOR thời kỳ 1991 - 1995 là 3,5, nhưng thời kỳ 2007 - 2008 là 6,15 và năm 2009 tới 8,08
          Đại hội ĐBTQ lần thứ XI đã đề xuất những định hướng phát triển kinh tế - xã hội để vượt qua những thách thức nói trên. Nhưng thường mới chỉ ra: Cần phải làm gì, còn thiếu những cách làm cụ thể. Thí dụ: Hai trong ba khâu đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị. Nhưng cách làm hay giải pháp để thực hiện những khâu đột phá trên thì chưa rõ.
          Nói gọn lại, nếu không vượt qua được những thách thức gay gắt đặt ra cho nước ta sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì Việt Nam sẽ tụt hậu xa hơn không những so với các nước phát triển cao mà cả so với nhiều nước đang phát triển.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “BỐI CẢNH THẾ GIỚI HIỆN NAY VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM”, Trung tâm ĐT, BD GVLLCT, ĐHQGHN, 2013.
           
                   





[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐB Toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG Hà Nội - 2011, tr.97
[2] Sđd, tr.186, 191, 192
[3] Sđd, tr93, 94
[4] Tạp chí Con số và sự kiện, số 3/2011, tr.33

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!