Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

VỀ ĐỜI SỐNG CỦA MỘT BỘ PHẬN GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC


PGS,TS. Đoàn Thị Minh Oanh     
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Tiến hành CNH là bước đi tất yếu của hầu hết các quốc gia với mục tiêu đạt tới sự phát triển hiện đại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật, công nghệ, Việt Nam xác định đây không chỉ là quá trình mang tính kinh tế thuần túy, mà còn mang đậm tính xã hội, thể hiện qua mục đích, phương thức tiến hành và sự chi phối của quan hệ sản xuất thống trị, mà kết quả dễ nhận biết nhất là bảo đảm việc làm, thu nhập, đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh cho người lao động. Tuy nhiên, đạt mục tiêu đó quả không hề đơn giản. Đời sống của giai cấp công nhân – lực lượng chủ chốt của CNH, HĐH vẫn còn rất nhiều bất cập. Luận bàn về “mặt trái của tấm huy chương” chính là phương cách cần thiết để đi tới giải pháp một cách chuẩn xác.

1. Nỗ lực CNH, HĐH tốc độ cao của Việt Nam - một nước nghèo, đi sau, CNH muộn, phải giải quyết hệ nhiệm vụ phát triển “kép”:
- Chuyển đổi cơ chế kinh tế, từ  kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường;
- Chuyển nền kinh tế kém phát triển sang nền kinh tế phát triển;
- Chuyển nền kinh tế khép kín, hướng nội sang nền kinh tế mở.
Đó là những nhiệm vụ to lớn, phức tạp, mà các nước đi trước hầu như đếu giải quyết theo nguyên tắc tuần tự, hoặc chỉ với mức độ “giao thoa” vừa phải giữa các nhiệm vụ. Đây là một tình huống khá đặc biệt đối với Việt Nam: Vừa mới mở cửa, hội nhập, Việt Nam đã lập tức phải cạnh tranh với những nền kinh tế khổng lồ, hùng mạnh và đang trỗi dậy mạnh mẽ như Trung Quốc, Ấn Độ. Tình huống này cũng là một trong những nguyên nhân khiến CNH, HĐH ở Việt Nam tuy đã có những thành công nhất định, song không tránh khỏi những va vấp, sai sót; đồng thời nó cũng quy định quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam có hai nấc thang phát triển: Thứ nhất, tìm tòi, thử nghiệm; thứ hai, đúc rút một mô hình, một cách thức tiến hành CNH phù hợp, hiệu quả nhất. Mô hình và cách thức tiến hành CNH phải được đặt trên nền tảng nhân dân và với mục tiêu vì nhân dân, bởi quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra mọi giá trị, là lực lượng và động lực quan trọng nhất, tạo ra sức mạnh phát triển xã hội. Trong sức mạnh đó có sức mạnh của giai cấp công nhân – giai cấp mang trên vai một sứ mệnh lịch sử quan trọng- sứ mệnh của lực lượng tiên phong, 
Khi nói về một giai cấp, là nói đến vị trí, vai trò, địa vị của giai cấp đó trong hệ thống sản xuất xã hội. Nó được quy định trước hết bởi những quan hệ cơ bản trong kinh tế: Quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức quản lý, quan hệ phân phối… từ đó quyết định đến ý thức, tư tưởng, bản lĩnh chính trị và cách thức tổ chức. Sức mạnh của một giai cấp là tổ hợp tất cả những yếu tố vật chất, tư tưởng và hệ thống tổ chức, biểu hiện qua kết quả hoạt động thực tiễn của giai cấp đó trong xã hội. Dưới cái nhìn tham chiếu, giai cấp công nhân Việt Nam trong quá trình CNH, HĐH đất nước đã có sự biến đổi mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; cả về phương diện tư tưởng và tổ chức. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá X (1/2008) đã xác định: “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”[1]. Họ là những người trực tiếp tạo ra của cải vật chất, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của xã hội, đang giữ vai trò tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, nhất là trong quá trình CNH theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Như vậy, nhiệm vụ cốt lõi của quá trình CNH, HĐH hiện nay là khai thác, phát huy, nâng cao tính tích cực, sáng tạo, trí tuệ của mọi chủ thể tham gia, đặc biệt là giai cấp công nhân – lực lượng nòng cốt của liên minh công – nông – trí, của khối đại đoàn kết toàn dân. CNH, HĐH chỉ có thể thành công dựa trên đường lối, chính sách đúng đắn khoa học và cách mạng của Đảng, Nhà nước và năng lực thực hiện, sáng tạo của giai cấp công nhân. Vì vậy, Đảng ta luôn khẳng định giai cấp công nhân Việt Nam vẫn là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam với trọng trách lãnh đạo, quá trình xây dựng đất nước, là chủ thể chịu trách nhiệm chính trước giai cấp công nhân, trước dân tộc. Đảng sẽ không có và không giữ được vị thế như ngày hôm nay, nếu không gắn bó và gắn bó bền chặt với cơ sở xã hội của mình –giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích cơ bản, chân chính của các tầng lớp nhân dân, của dân tộc là thống nhất. Vì vậy, chăm lo bảo vệ lợi ích cơ bản, chính đáng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động là nhiệm vụ quan trọng, là mục tiêu mà Đảng theo đuổi. Mục tiêu đó được thực hiện sẽ góp phần trực tiếp cho việc tăng cường sức mạnh của dân tộc, làm cho sự phát triển của các tầng lớp nhân dân, của toàn thể dân tộc thực sự lành mạnh, tiến bộ và bền vững. Đó cũng là cơ sở của quá trình tịnh tiến, tiệm cận với những giá trị chung của nhân loại tiến bộ.
          Từ khi công cuộc đổi mới được tiến hành năm 1986 đến nay, giai cấp công nhân Việt Nam đã và đang đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2006, công nhân trong các doanh nghiệp (chiếm 71% tổng số công nhân, 8,25% dân số và 15,75% tổng số lao động xã hội) đã tham gia tạo ra 70% tổng sản phẩm trong nước (GDP)[2].
Chính quá trình đổi mới nền kinh tế từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, chính việc chuyển đổi các hình thức sở hữu, đa dạng các hình thức sở hữu, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, bán cổ phần ưu đãi cho công nhân, huy động vốn của các công ty cổ phần… đang từng bước làm cho một bộ phận công nhân trở thành những người chủ sở hữu. Chính đòi hỏi tự thân của quá trình CNH, HĐH cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước đã làm cho trình độ văn hoá, khoa học và kỹ thuật của giai cấp công nhân đã được cải thiện[3]; mức sống của phần lớn công nhân cũng đã được nâng lên...
Số lượng công nhân cũng tăng đáng kể. Tính đến năm 2007, tổng số công nhân nước ta có khoảng 9,5 triệu người. Công nhân lao động trong các doanh nghiệp cũng có con số tăng về lượng khá khả quan: Nếu năm 2000, tổng số lao động trong các doanh nghiệp trong cả nước (cả 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá, doanh nghiệp tư nhân) là 3.536.998 người, thì năm 2007 con số này là 6.754.815 người.
Tuy nhiên, về mặt chất, phải thừa nhận rằng, giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay có sự không đồng đều về trình độ giác ngộ chính trị, không còn giữ được sự thống nhất cao về tư tưởng, về ý thức tổ chức kỷ luật, về tác phong công nghiệp. Những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống và tư tưởng của công nhân, đặc biệt là bộ phận công nhân lao động giản đơn, từ nông thôn gia nhập đội ngũ công nhân. Nguồn lao động này về cơ bản là một loại tài nguyên “thô”, mang tính “tự nhiên”, ít qua đào tạo và rèn luyện nghề nghiệp, vì thế kỹ năng nghề nghiệp thấp. Tầng lớp công nhân này và tầng lớp công nhân chủ yếu làm lao động chân tay đơn giản sẽ là tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi nhất, là những người yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất trước những thay đổi của chính sách, các biến động của hoàn cảnh xã hội trong và ngoài nước.
Trong số 6.715.166 người lao động (năm 2006) đang làm việc tại tất cả các loại hình doanh nghiệp trong cả nước, có bao nhiêu người có quyền sở hữu hoặc không có quyền sở hữu, cũng như mức độ sở hữu của họ là như thế nào? Đến nay chưa có thống kê và đánh giá. Có một điều chắc chắn là tất cả 1.445.374 người (tức là 21,52% tổng số người lao động trong các doanh nghiệp của cả nước (theo số liệu năm 2006) hiện đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều là những người hoàn toàn không có quyền sở hữu, mà chỉ là những công nhân làm công, hưởng lương, hay nói chính xác hơn, đều là những người đang bán sức lao động, đang làm thuê cho các nhà tư bản nước ngoài để nhận tiền công theo hợp đồng lao động.
Mức lương của công nhân ở các Khu chế xuất, Khu công nghiệp chỉ nhỉnh hơn lương tối thiểu một chút (bình quân 1,4 triệu đồng/người/tháng). Nếu hai vợ chồng công nhân có 2 con sẽ trở thành đối tượng xoá đói giảm nghèo[4]. Họ lại còn luôn luôn đứng trước sự đe dọa bị phạt lương, khấu trừ lương. Đồng lương đã bèo bọt, lại càng teo tóp hơn.
Hộp 1
Mức lương của công nhân Công ty Việt Lập
Tại Phiếu chi lương có ghi lương công nhật là 30.300đ/ngày, mức lương cơ bản là 787.000đ/tháng, nhưng thực tế khi nghỉ việc có phép với xác nhận của bác sỹ thì họ chỉ được trả từ 18.000 - 20.000đồng/ngày.
Phiếu phát lương của công ty Việt Lập không thể hiện số giờ tăng ca theo từng thời điểm, khiến công nhân không thể tính được tiền lương chính xác của mình. Số giờ tăng ca ở đây được quy ra ngày công, nên không phản ánh chính xác tiền lương của người lao động. Phiếu phát lương của công ty Việt Lập cho thấy số giờ tăng ca được quy ra ngày công lên tới 27,58 công. Số giờ tăng ca như vậy có sai phạm Luật Lao động?
* Bảng lương của một công nhân  nữ (đã làm việc 2 năm)
Mức lương của công nhân tại Việt Lập được tăng theo một cách duy nhất và có thể tin tưởng được chắc chắn là theo thâm niên làm việc mỗi năm là 10.000đ (mười ngàn đồng/ một năm).
Hầu hết công nhân khi nhận tiền đều không dám thắc mắc gì. Trong xí nghiệp có một hộp thư góp ý, nhưng không có công nhân nào dám gửi đơn từ, vì mọi nơi đều có camera quan sát, từ cổng vào tới phòng ăn, ngay cả nơi rửa tay trong toa lét cũng có camera.

 Trong khi đó, cường độ lao động của người công nhân lại quá căng thẳng, áp lực công việc cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏa và tinh thần.
Hộp 2
Tình trạng làm việc của công nhân
Xí nghiệp giày Việt Lập
Công nhân xí nghiệp giày Việt Lập tâm sự: "Bọn em chỉ biết giờ vào làm, chứ chưa bao giờ biết chính xác giờ về, dạo này cũng đỡ hơn rồi, trước đây thì ngày nào cũng từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm liên tục như vậy và có khi tới sáng hôm sau. Có đợt phải làm liên tiếp đến 5 chủ nhật, mệt mỏi lắm, muốn xin nghỉ thì phải có giấy xác nhận của bác sỹ, ghi rõ là được nghỉ mấy ngày, sau đó mới được tính lương theo dưới mức đã ghi trên hợp đồng lao động. Có đợt làm hàng nhiều, bác sĩ không xác nhận cho nghỉ, có người xỉu tại chỗ mới được khênh về". Nghĩa là để có thu nhập èo uột, người công nhân cũng phải làm tới kiệt sức.
Thực tế, công nhân sẽ được hưởng khoản trợ cấp chuyên cần là 6 ngày công/tháng nếu thángđó không nghỉ ngày nào, nếu nghỉ một ngày dù là có phép cũng sẽ bị trừ đi 3 ngày công, nghỉ hai ngày sẽ bị trừ hết 6 ngày công. Mỗi ngày lương bằng chính mức lương cơ bản của người đó.
Nghỉ không phép, nghỉ có phép đã vậy. Nghỉ một giờ tăng ca, nghỉ chủ nhật không làm thêm cũng bị trừ tiền chuyên cần (!). Lương thấp, phạt nhiều. Những quy định quái đản trên đã vắt kiệt sức người lao động!
Có một chút ngạc nhiên và mâu thuẫn khi thấy họ nói mệt mỏi triền miên, nhưng lại vẫn mừng khi có hàng nhiều và tăng ca. Câu trả lời khá giản dị là nếu không có tăng ca thì lương lãnh ra mau chóng hết veo vì đa số đều đã tạm ứng trước từ 300.000đồng đến 500.000đồng.

Phúc lợi của công nhân ở các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thể hiện chủ yếu qua bữa ăn trưa, qua khảo sát ở một số nhà máy, xí nghiệp cũng thật đáng thất vọng, nếu không muốn nói là cười ra nước mắt. Những bữa ăn trưa đạm bạc, nghèo về dinh dưỡng, không mấy tuân thủ quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, chẳng những khó mà mang lại năng lượng cần thiết để người công nhân tái sản xuất sức lao động, mà lại còn tiềm ẩn những nguy cơ trực tiếp cho sức khỏe.
Hộp 3
Bữa ăn trưa của công nhân
Tại Công ty Việt Lập công nhân được ăn trưa với tiêu chuẩn 4500đ/suất. Với số tiền ít ỏi như vậy, người thầu bữa ăn công nhân ở đây phải chi cả mua sắm đồ dùng, nhân viên phục vụ, khấu hao tài sản và tiền lời, thử hỏi còn bao nhiêu vào được cái dạ dày lép kẹp của công nhân? Có những công ty còn có mức ăn trưa thấp hơn như công ty Đại Quang -có tiêu chuẩn ăn 3.700 đ/suất; thấp nhất là công ty Duy Hưng với 3.500 đ/suất. Công nhân  Công ty Duy Hưng phản ánh: Có bữa ăn phải cá thối. Nhưng không ăn thì đâu có sức mà làm? Đã vậy, công nhân còn bị cấm ngặt, không được mang theo đồ ăn thêm và nước uống vào. Muốn uống, hay ăn thêm phải mua của chủ.
Khi Công ty Việt Lập đề nghị tăng lương cho công nhân 4.000 đ/ngày, trong đó có 1.000 đ đưa vào bữa ăn trưa, công nhân đã phản đối. Họ nói nhà bếp sẽ chỉ thay đổi trong vài ngày rồi đâu lại vào đó và họ muốn Công ty Việt Lập đưa cả 4.000 đ/ngày vào lương cơ bản.


Vài nét phác họa giản đơn đó đã bộc lộ những bức xúc, bất cập trong đời sống của một bộ phận lớn của giai cấp công nhân Việt Nam. Những hạn chế, bất cập đó nếu không được quan tâm, giải quyết một cách thỏa đáng, chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ lụy xã hội - những hệ lụy nguy hiểm. Giải quyết những bất cập chính là việc thể hiện “định hướng XHCN” của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang xây dựng – nền kinh tế vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện của CNH, HĐH.
3. Con đường của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới đã được Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam xác định từ những năm 20, 30 của thế kỷ XX. Đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng đã dẫn dắt toàn thể dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng hàng đầu là độc lập, tự do, đặt cơ sở, tạo lập tiền đề để đất nước phát triển, mang lại cuộc sống thực sự ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Giai đoạn cách mạng hiện nay có nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, tạo lập nền tảng vật chất cho CNXH. Cùng với quá trình đó là từng bước cải thiện, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cốt vật chất của quá trình này chính là CNH, HĐH để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi thể chế kinh tế và phát triển giai cấp công nhân – với tư cách là lực lượng trực tiếp, chính yếu, đông đảo thực hiện nhiệm vụ này.
Vấn đề đặt ra là làm sao để giai cấp công nhân không trở thành giai cấp thuần túy làm thuê, không bị xói mòn về quyền lợi và không bị bần cùng hóa so với một số tầng lớp trong xã hội. Để tránh được điều đó, giai cấp công nhân Việt Nam phải thực sự có tri thức, có ý thức và bản lĩnh chính trị, có tổ chức chặt chẽ, đủ để xác lập và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Ở Việt Nam, lịch sử hiện đại đã chứng minh rằng, một khi Đảng, Nhà nước có đường lối chính sách đúng đắn sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân lao động, trước tiên là giai cấp công nhân.  Ngược lại, Đảng xa rời bản chất giai cấp công nhân, trong Đảng tồn tại bệnh chủ quan, duy ý chí, đặc quyền đặc lợi, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thì tất yếu xảy ra những hệ quả đáng tiếc. Vấn đề ở đây là Đảng không được dừng lại ở định hướng tĩnh, mà phải xây dựng được hệ thống thể chế[5], để khai thác được sức mạnh của giai cấp công nhân. Sức mạnh của thể chế được chứng minh thuyết phục ở thành công của Thâm Quyến (Trung Quốc). Ở đây, vai trò của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là tương đối lớn. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phải được trao quyền lực thực sự. Phải tổ chức công nhân vào công đoàn và đặc biệt, phải chú trọng đến các công nhân thuộc khu vực kinh tế tư nhân và các công nhân lao động giản đơn với việc làm không ổn định. Đảng, Công đoàn phải thực sự trở thành người đại diện của công nhân, hậu thuẫn đắc lực cho những quyền lợi hợp pháp của họ. Cũng cần phải cải tổ lại cách lãnh đạo của Đảng đối với công đoàn, để cho các cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn phát huy tác dụng trực tiếp, thực sự. Do đó, có lẽ mấu chốt của vấn đề là: Đảng và Nhà nước – những nhà hoạch định chính sách, thực thi chính sách – trong tư tưởng và hành động của mình thực sự mang bản chất giai cấp công nhân.





[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá X. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 43
[2] Dương Xuân Ngọc, Thời đại ngày nay và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, Một số chuyên đề về những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, Tập III. Nxb.Lý luận chính trị, Hà Nội,2008, tr.38
[3] Tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên trong tổng số công nhân (cán bộ , công nhân) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 43,3%; Tập đoàn Điện lực Việt Nam  28,58%; Tập đoàn Than – Khoáng sản VN 16%; Tập đoàn Công nghiệp Tầu thuỷ 17,9%; Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông 26,5%; Tập đoàn Dệt – May 5,6%... (nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương, 2008)
[4]Dương Minh Đức, Cần quan tâm chăm lo đời sống công nhân ở các KCX-KCN, Lao Động số 223, Ngày 03/10/2009.
[5] Nền kinh tế bất kỳ nào cũng đều là tổ hợp của cơ cấu ngành và hệ thống thể chế. Nền kinh tế công nghiệp cũng vậy. Nó là tổ hợp của một cơ cấu ngành dựa trên nền kỹ thuật công nghiệp và hệ thống thể chế kinh tế thị trường. Nền kinh tế đó là sản phẩm của quá trình CNH, HĐH. Nhưng để tạo ra được sản phẩm đó, CNH phải bao hàm hai quá trình – quá trình cơ cấu và quá trình thể chế. Hai quá trình này gắn kết với nhau, quy định nhau và quy định mức độ thành công của CNH.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!